Hợp tác kinh doanh Việt - Hàn: Nâng cao chất lượng tăng trưởng và cạnh tranh quốc gia

.

ĐNO- “Chính Phủ Việt Nam luôn hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc, sự hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và cạnh tranh quốc gia”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định như thế tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hàn Quốc, sáng 9-11, tại Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam- Hàn Quốc tại tỉnh Quảng Nam ngày 9-11-2019.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam- Hàn Quốc tại tỉnh Quảng Nam ngày 9-11-2019.

Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng cho biết Việt Nam đánh giá cao chính sách hướng nam mới của Hàn Quốc, trong đó xác định Việt Nam là một đối tác trọng tâm. Việt Nam cũng coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa. Ngày nay, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và tin cậy chính trị được tăng cường. Hàn Quốc ngày nay là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô và là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tốc độ tăng GDP cao 6,5-7% trong 10 năm qua; trong đó, riêng năm 2018, GDP đạt gần 7,1%/năm, năm 2019 dự kiến đạt trên 6,8%, thu nhập GDP bình quân của 95 triệu dân đạt 2.600 USD. Xuất khẩu 2018, đạt 480 tỷ USD, năm 2019 sẽ đạt khoảng 520 tỷ USD. Việt Nam hiện có hơn 29.000 doanh nghiệp FDI từ 132 quốc gia đang đầu tư kinh doanh với tổng vốn cam kết trên 357 tỷ USD. Nhiều tập đoàn quốc tế lớn Hàn Quốc đang kinh doanh thành công như Samsung, LG, Huyndai, Lotte…

Trong xu thế lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số. Theo nghiên cứu của Google/Temasek, giá trị của kinh tế số của Việt Nam, năm 2015, đạt 3 tỷ USD, năm 2018 tăng 3 lần lên 9 tỷ USD và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Việt Nam đứng vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới. Việt Nam có thể tăng GDP thêm 162 tỷ USD trong 20 năm nếu chuyển đối số thành công.

“Bên cạnh những thành tựu kể trên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để vươn lên trở thành nước công nghiệp vào 2030. Chúng tôi đã đề ra nhiều chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với trọng tâm về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia... Theo đó, Việt Nam đã khởi động Chương trình “Make in Vietnam 4.0” và trân trọng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng cởi mở đề nghị.

Doanh nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc ký kết hợp tác kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước
Doanh nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc ký kết hợp tác kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước.

Tại hội nghị, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) - ngài Kwon Pyung Oh cho biết kim ngạch song phương giữa hai nước hiện nay đạt 68 tỷ USD. Hiện nay có hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam. Theo ngài Kwon Pyung Oh, việc đạt mục tiêu kim ngạch năm 2020 là 120 tỷ USD có thể thực hiện được nếu như hai nước bắt tay gắn kết với nhau.

“Với mục đích xây dựng một quốc gia công nghiệp hiện đại, Việt Nam như rồng vàng đang mạnh mẽ vươn lên. Xu thế trung tâm công nghiệp thế giới hiện nay đang chuyển sang ASEAN nên Việt Nam hiện nay đang có một lợi thế rất lớn. Hai đất nước chúng ta sẽ cùng nhau tăng trưởng, hội nhập cạnh tranh cùng với các nước đang phát triển trên thế giới", Ông Kwon Pyung Oh nói.

Tin và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.