HƯỞNG ỨNG CUỘC THI BÁO CHÍ VIẾT VỀ TẤM GƯƠNG "DÂN VẬN KHÉO"

"Dân vận khéo" góp phần kiến tạo thành phố - Bài cuối: Góp sức hoàn thành các công trình trọng điểm

.

Trước yêu cầu về bảo đảm thời gian hoàn thiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện đồng loạt, ráo riết, góp phần hoàn thiện nhiều công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, xã hội của thành phố nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung.

Nhờ “dân vận khéo”, các cấp chính quyền huyện Hòa Vang sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc La Sơn-Túy Loan.
Nhờ “dân vận khéo”, các cấp chính quyền huyện Hòa Vang sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc La Sơn-Túy Loan.

Lắng nghe nguyện vọng của dân

Cách đây hơn 4 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố, công trình cầu vượt Ngã ba Huế khánh thành trong niềm hân hoan của nhân dân toàn thành phố. Để có được thành công này, vai trò “dân vận khéo” của các cấp chính quyền 4 phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), An Khê, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu) được nêu cao.

Tại phường Hòa Minh, để phục vụ đất cho dự án, 100 hộ dân nằm trong khu vực phải di dời, giải tỏa hoàn toàn. Để vận động nhân dân, phường Hòa Minh thành lập Ban vận động, trong đó Bí thư Đảng ủy phường làm trưởng ban, thành viên là các cán bộ, lãnh đạo phường, đại diện Mặt trận, các hội, đoàn thể từ phường đến khu dân cư. Trước những nguyện vọng của nhân dân, nếu chính đáng sẽ được xem xét, đề xuất giải quyết; nếu chưa phù hợp sẽ phân tích, giải thích cho người dân hiểu. Ban vận động giải quyết mọi mong muốn của người dân trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân; nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận trong dân.

Từ khi chuyển về nơi ở mới, nhường đất cho dự án cầu vượt Ngã ba Huế, cuộc sống gia đình ông Phan Văn Phương (SN 1970, trú phường Hòa Minh) khá giả hơn trước. Với căn nhà 2 tầng nằm kiên cố ngay mặt đường Hoàng Thị Loan, vợ chồng ông Phương mở quán tạp hóa, buôn bán cà-phê. “Nhiều năm sinh sống tại đây, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm. Vì thế khi nghe có chủ trương xây dựng cầu vượt tôi rất mừng. Khi cán bộ vận động đến nhà phổ biến chủ trương, phân tích cái được, cái mất khi nhường đất cho dự án, gia đình tôi rất đồng tình hưởng ứng, sẵn sàng giao đất ngay”, ông Phương chia sẻ.

Cũng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-2018, dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 1 chính thức khởi công. Đây là một trong số những công trình trọng điểm của thành phố trong năm 2018. Theo bà Trần Thị Yến Oanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thạch Thang (quận Hải Châu), để phục vụ việc tu bổ, phục hồi di tích, phường Thạch Thang đã tích cực tuyên truyền, vận động 80 hộ dân trong khu vực thực hiện di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Qua quá trình vận động, phường Thạch Thang đã hoàn thành vận động 100% hộ dân thuộc dự án di tích cấp quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải bàn giao mặt bằng đúng hạn.

Ông Vũ Lâm Sơn (tổ 26, phường Thạch Thang) - một trong 80 hộ dân nằm trong diện di dời cho biết: “Lãnh đạo phường thường xuyên xuống cơ sở, trực tiếp đến nhà dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những thắc mắc của người dân. Bản thân tôi cũng như các hộ dân xung quanh khu vực rất ủng hộ vì Thành Điện Hải là di tích cấp quốc gia đặc biệt, nhân dân thấy đó là niềm vinh dự, rất phấn khởi nên đã ủng hộ việc di dời, bàn giao mặt bằng”. Còn với bà Lê Cẩm Châu (trú phường Thạch Thang), dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải là một trong những dự án lớn, có ý nghĩa không chỉ về mặt xã hội mà còn ý nghĩa về văn hóa, lịch sử nên khi được vận động, phân tích ý nghĩa của dự án, gia đình bà Châu nhanh chóng chấp thuận.

Hoàn thành các dự án phát triển vùng

Ngày 15-3-2017, thành phố Đà Nẵng hoàn thiện công tác di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây được xem là thời khắc quan trọng, đánh dấu bước ngoặc lớn trong công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền huyện Hòa Vang đối với đoạn cao tốc qua địa bàn. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km; có điểm đầu tuyến tại thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), đi qua địa bàn các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).

Thời điểm năm 2017, huyện Hòa Vang như một “đại công trình” khi người người, nhà nhà khẩn trương dỡ bỏ nhà cửa, di dời vật dụng, tài sản đến nơi ở mới, nhường đất phục vụ dự án. Bà Đinh Thị Hiền (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) có nhà nằm hoàn toàn trong vùng giải tỏa. Trước dự án lớn của thành phố và sự vận động tích cực của địa phương, gia đình bà Hiền nhanh chóng di dời đến vùng tái định cư mới. “Nhìn ngôi nhà hai tầng mình sinh sống bao năm bị phá bỏ hoàn toàn, tôi không khỏi ngậm ngùi. Nhưng vì nghĩ đến chủ trương lớn, lợi ích chung nên tôi hoàn toàn ủng hộ. Thời điểm di dời đi, cán bộ lãnh đạo địa phương cử dân quân đến hỗ trợ khuân vác, hỗ trợ xe di chuyển đồ đạc. Vì thế nên gia đình tôi thấy ấm lòng”, bà Hiền bộc bạch.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) Võ Sanh, xã Hòa Nhơn có số hồ sơ giải tỏa phục vụ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lớn với 1.207 hồ sơ (469 hồ sơ đất ở, 738 hồ sơ đất nông nghiệp). Trong giai đoạn 1, xã Hòa Nhơn đã hoàn thành vận động bàn giao 100% mặt bằng để phục vụ dự án. Để vận động nhân dân thực hiện bàn giao mặt bằng đúng hạn, toàn hệ thống chính quyền từ xã đến các thôn đã tích cực xuống cơ sở, cùng với các đơn vị liên quan đo đạc, kiểm đếm; vận động nhân dân sớm di dời. Mặt khác, xã cũng kiến nghị lên cấp trên và các đơn vị liên quan chi trả đầy đủ kinh phí đền bù, hỗ trợ để người dân sớm ổn định nơi ở mới.

Còn tại dự án cao tốc La Sơn-Túy Loan (điểm đầu là La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; điểm cuối là nút giao Túy Loan, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nhờ chính quyền tích cực vận động di dời, bàn giao mặt bằng, đến nay, dự án đã thi công xong 90% hạng mục. Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là một trong những địa phương có số hồ sơ giải tỏa lớn để phục vụ đất cho dự án. Theo đó, toàn xã có 492 hồ sơ đất phải giải tỏa (trong đó 117 hồ sơ đất ở và 375 hồ sơ đất nông nghiệp) với tổng diện tích đất thu hồi gần 200ha. Đặc biệt, tại xã có 25 hộ đồng bào Cơ tu trú tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí nằm trong diện giải tỏa. Ông Hồ Bảy (trú thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) nằm trong diện giải tỏa với 400m2 đất ở và 900m2 đất vườn. Trước chủ trương lớn của chính quyền và sự vận động, thuyết phục của địa phương, gia đình ông Bảy sớm đồng thuận, di dời tài sản đến nơi khác. Nhờ vậy, xã Hòa Bắc nhanh chóng hoàn thành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, có những thời điểm, toàn huyện giống như một công trường lớn với hàng loạt dự án đồng triển khai. Trước những dự án, chủ trương của thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội toàn huyện đã quán triệt, tuyên truyền, ra sức thực hiện tốt công tác dân vận. Với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, huyện Hòa Vang đã làm tốt công tác vận động, đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phạm Quý, nhờ “dân vận khéo” hiệu quả nên các dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa liên kết vùng như cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cao tốc La Sơn-Túy Loan hoàn thành khá thuận lợi, giúp kết nối các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực miền Trung. “Có thể nói, công tác “dân vận khéo” đóng vai trò không thể thiếu trong di dời, giải tỏa để triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Đây chính là đòn bẩy giúp các dự án triển khai đúng tiến độ, đem lại ý nghĩa lớn về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh”, ông Phạm Quý nói.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân và du khách về lối xuống biển, chính quyền thành phố cùng các sở, ban, ngành, địa phương đã vận động thành công các chủ doanh nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nhường đất để mở 5 lối xuống biển, phục vụ nhu cầu cho nhân dân. Theo đó, 5 lối xuống biển gồm: lối xuống biển giữa khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana; lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương; lối xuống biển phía bắc thuộc dự án khu du lịch biển The Song Đà Nẵng; lối xuống biển phía nam dự án khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt; lối xuống biển phía nam dự án Future Property Invest. Đến nay, lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ba lối xuống biển gồm: lối xuống biển giữa khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana; lối xuống biển phía bắc thuộc dự án khu du lịch biển The Song Đà Nẵng; lối xuống biển phía nam dự án khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt cơ bản hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 12-2019. Đối với lối xuống biển phía nam dự án Future Property Invest, các đơn vị liên quan đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Việc vận động các chủ doanh nghiệp hiến đất để mở lối xuống biển là một chủ trương hợp lòng dân, được đông đảo nhân dân ủng hộ, góp phần lập lại quy hoạch đô thị và xây dựng không gian công cộng ven biển.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.