Kỷ luật để tăng năng suất lao động?

.

Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một trong những điểm mới của Bộ luật được dư luận quan tâm là khuyến khích thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Cụ thể, đối với vấn đề thời gian làm việc bình thường, Bộ luật quy định: Thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Thay đổi này xem ra khá phù hợp với nguyện vọng giảm giờ làm cho người lao động của nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra thảo luận trước đó. Giảm giờ làm để nâng cao năng suất lao động như thực tế đã diễn ra ở một số nước trên thế giới.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa, cứ giảm dần dần giờ làm thì năng suất làm việc của người lao động sẽ tự động tăng lên. Bởi, thực tế môi trường làm việc tại Việt Nam, trình độ kỹ thuật, phương tiện làm việc và đặc biệt là tính kỷ luật trong lao động của Việt Nam vẫn còn rất khác so với thế giới.

Từ câu chuyện này chợt nhớ đến việc bị kiểm điểm của một nhân viên kỹ thuật có thời gian làm việc tại một khu nghỉ dưỡng nọ. Số là 17 giờ chiều là anh nhân viên này sẽ hết ca và rời vị trí làm việc. Máy quẹt thẻ hôm đó thể hiện anh quẹt thẻ đúng 17 giờ 00 phút. Vì vậy, anh nghĩ mình không về sớm, thế nhưng sau đó, anh được phòng nhân sự của khu nghỉ dưỡng gọi lên và giải thích là “từ vị trí chỗ làm ra đến cổng quẹt thẻ đi nhanh nhất cũng mất 5 phút, vì vậy, thời điểm anh quẹt thẻ ít nhất phải là 17 giờ 5 phút.

Nhưng thẻ thể hiện anh quẹt thời điểm 17 giờ 00 phút, tức anh đã “ăn cắp” 5 phút làm việc của công ty”. Hiện, khi đang giữ vị trí giám đốc điều hành tại khu nghỉ dưỡng khác, anh nhân viên bị kiểm điểm năm nào cho biết, anh đã học và làm theo cách trên. Bởi, theo anh, chỉ có kỷ luật như vậy thì năng suất lao động mới bảo đảm.

Bản thân người viết cũng từng chứng kiến người quản lý nước ngoài “tính từng phút” như vậy với người lao động, chỉ với mục đích là tạo kỷ luật để tăng năng suất lao động. Khi nhân viên có việc xin phép ra ngoài, người quản lý sẽ ngay lập tức yêu cầu họ tự ghi giờ bắt đầu đi và giờ quay lại để họ tự biết có phải chỉ ra ngoài “một chút” hay không?

Có thể nói, người lao động Việt Nam vẫn còn khá phổ biến tâm lý… “ăn cắp” giờ làm, lãn công trong giờ làm việc. Tư duy nghỉ sớm vài phút, đi chậm vài phút thậm chí vài chục phút là không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng kỳ thực lại đem lại nhiều hệ lụy và cuối cùng là ảnh hưởng không nhỏ năng suất lao động.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập của người lao động Việt Nam thời gian qua đã có cải thiện đáng kể. Tính đến thời điểm năm 2018 thu nhập trung bình của người lao động đạt 4.521 USD/người/năm. Thế nhưng, cả Tổng cục Thống kê và Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra rằng năng suất lao động của người Việt rất thấp so với các nước trên thế giới, thậm chí là các nước trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, năng suất lao động của người Việt năm 2018 chỉ bằng 7,3% so với người lao động Singapore, bằng 19% so với Malaysia, bằng 37% so với Thái Lan, bằng 44,8% so với Indonesia và so với Philippines cũng chỉ bằng 55,9%. Đây là phép so sánh với các nước trong khu vực, còn nếu so sánh với các nước phát triển thì khoảng cách có thể nói là… xa diệu vợi. Năng suất lao động hiện tại đã kém như vậy, hãy thử tưởng tượng nếu giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần hoặc thấp hơn nữa thì hẳn không khó để hình dung điều gì xảy ra với người lao động.

Giảm giờ làm, tăng thu nhập là mong muốn chính đáng của người lao động. Song, phải giảm trong điều kiện như thế nào thì phù hợp là câu chuyện không phải ngày một ngày hai. Theo nhiều ý kiến, điều kiện cần để tăng năng suất lao động, chính là đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại, không thể để con người làm thủ công, thay hết máy móc.

Tuy nhiên, điều kiện máy móc, cơ sở vật chật hiện đại đến đâu, nhưng tính kỷ luật của người lao động vẫn là yếu tố cốt lõi. Thiết nghĩ, chừng nào người lao động còn tâm lý tranh thủ “ăn cắp” giờ làm việc, tranh thủ nhậu nhẹt, tranh thủ chơi game, lướt web, chát chít trong giờ làm việc thì hãy khoan nói đến tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và những phúc lợi tiếp sau của người lao động.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.