Làm giàu nhờ nông nghiệp đô thị

.

Quá trình đô thị hóa nhanh đã kéo theo diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở quận Cẩm Lệ ngày càng thu hẹp. Điều này đặt ra cho các cấp Hội Nông dân quận cần định hướng cho nông dân đổi mới tư duy lao động, sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn. Với nông nghiệp đô thị, nhiều nông dân trên địa bàn quận Cẩm Lệ đang làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Lãnh đạo thành phố thăm vườn lan của gia đình nông dân trẻ Lê Thành Trung.
Lãnh đạo thành phố thăm vườn lan của gia đình nông dân trẻ Lê Thành Trung.

Năm 2015, anh Lê Thành Trung (phường Hòa Xuân) rời ghế kế toán trưởng của một khu nghỉ mát nổi tiếng để theo đuổi đam mê với cây hoa lan Mokara. Nhiều lần vào Nam ra Bắc học tập, trau dồi kinh nghiệm, anh Trung kiên định mục tiêu mình đã chọn: làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao. Chủ trương khuyến khích, đồng hành cùng nông dân làm nông nghiệp đô thị ở quận Cẩm Lệ đã tiếp nối ước mơ để người thanh niên trẻ khởi nghiệp sau hơn 1 năm miệt mài. Từ quỹ đất địa phương cho mượn, Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nông dân trẻ Lê Thành Trung dần làm giàu với hơn 3.000m2 đất sản xuất, 100 triệu đồng vốn vay ban đầu.

Đến nay, vườn hoa lan Mokara Lê Thành Trung tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (đường Hoàng Châu Ký) mỗi năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài thành phố hơn 17.000 cây giống, 40.000 cành hoa thương phẩm, doanh thu trung bình hơn 2,5 tỷ đồng. Mọi khâu chăm sóc cây hoa như: đo độ ẩm, tưới tiêu, bón phân... đều áp dụng công nghệ 4.0. “Hệ thống phần mềm này được cài đặt trên chiếc điện thoại di động thông minh của tôi, dù đi đâu hay bận công việc gì, chỉ cần “Enter” trên điện thoại là xong. Năng suất lao động nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất khá cao do ít tốn công chăm sóc và thuê lao động. Hiện tôi đang mở rộng thêm cơ sở 2 với diện tích hơn 5.000m2 ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang)”, anh Lê Thành Trung chia sẻ.

Từ đầu năm 2019 đến nay, nông dân Lê Anh Thắng (phường Khuê Trung) thu lợi hơn nửa tỷ đồng nhờ làm dịch vụ thiết kế, thi công các công trình hoa, cây cảnh cho các khu nghỉ mát. Anh Thắng cho biết, trước đây anh làm quản lý nhân sự cho một doanh nghiệp. Song, cũng vì đam mê làm nông nghiệp, anh chuyển sang kinh doanh hoa, cây cảnh tại tuyến đường Phạm Hùng (phường Hòa Xuân). Đầu năm 2018, nắm bắt nhu cầu các khu nghỉ mát, doanh nghiệp lớn cần một cơ sở dịch vụ thiết kế, thi công khuôn viên cây cảnh, anh Thắng tiếp tục chuyển hướng sang làm dịch vụ. Qua hơn 1 năm linh hoạt đổi mới, doanh thu của cơ sở anh Thắng đến nay đạt hơn 1 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ sở dịch vụ Lê Anh Thắng nhận thi công khuôn viên cây cảnh cho nhà hàng Đảo Xanh (quận Hải Châu) và khu nghỉ mát Ocean View (quận Sơn Trà) với tổng giá trị hợp đồng gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, hơn 10 doanh nghiệp lớn nhỏ cũng đang ký kết hợp đồng tương tự, doanh thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Ngoài anh Trung, anh Thắng còn có rất nhiều nông dân Cẩm Lệ dám nghĩ dám làm, đi lên nhờ chuyển hướng sang nông nghiệp đô thị. Bên cạnh áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân quận Cẩm Lệ còn linh hoạt làm nông theo hướng dịch vụ như: Tổ sơ chế phụ gia thực phẩm của nông dân Lê Minh Trung (phường Hòa Thọ Đông), Dịch vụ cho thuê mai cảnh đột biến của nông dân Trần Văn Đáng (phường Hòa An)...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ Hứa Thị Thùy Phương, từ sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân, đến nay, quận Cẩm Lệ có 479 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó có 38 hộ làm nông nghiệp theo hướng đô thị, doanh thu trung bình mỗi năm từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

Thống kê giai đoạn 2017-2019, các cấp Hội Nông dân quận Cẩm Lệ đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề, 40 buổi tập huấn khởi nghiệp cho hơn 8.000 lượt nông dân, kết nối vay 70 tỷ đồng phát triển sản xuất, hỗ trợ 600 triệu đồng giống, vật tư sản xuất. Cùng với đó, nhiều hội thảo mang định hướng nông nghiệp đô thị, nhiều phiên chợ kết nối, giới thiệu nông sản trong và ngoài địa bàn được tổ chức.

Bài và ảnh: Trường Đức

;
;
.
.
.
.
.