Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 15-11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi).
Theo nội dung Tờ trình về dự án Luật DN (sửa đổi): việc sửa đổi, bổ sung Luật DN nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký DN; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới). Cùng với đó, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN; thúc đẩy quản trị DN đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới); nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với DN mà Nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại DN đối với hình thức: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình DN.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn, hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và DN khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của Nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Một số ý kiến nhất trí với dự án Luật DN sửa đổi, trong đó bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, việc đưa loại hình “hộ kinh doanh” vào luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào luật phải là những hộ có quan hệ lao động. “Nếu chúng ta đưa đối tượng này vào thì hoạt động của các hộ này sẽ được thực hiện thông qua các hình thức đăng ký, từ đó có sự kiểm soát và kinh tế hộ sẽ lớn lên. Tuy nhiên, đi kèm theo việc chúng ta đưa vào luật như vậy thì phải có các chính sách ưu đãi như đối với các DN nhỏ và vừa”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Không đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường và một số đại biểu khác về việc bổ sung một chương về hộ kinh doanh vào dự án Luật DN sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật này là không phù hợp vì Luật DN quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tên gọi Luật DN có nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động, giải thể liên quan đến DN, nhưng hộ kinh doanh không phải là DN. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự án Luật thì tên gọi của luật nên là Luật DN và hộ kinh doanh. Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật và thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình lý giải thêm, ở các nước, kinh tế hộ gia đình quản lý bằng thuế khóa, chứng từ, doanh thu, nhưng ở Việt Nam hiện chỉ quản lý được bằng hình thức thuế, không có hóa đơn chứng từ, doanh thu. Thậm chí, có những hộ gia đình kinh doanh quy mô lớn hơn DN nhưng vẫn không quản lý được. Đại biểu cho rằng, cần thực hiện quản lý các hộ gia đình bằng chính sách thuế, các nghị định, thông tư theo đúng pháp luật.
Phát huy sức trẻ, trí tuệ của thanh niên Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Qua thảo luận tại tổ, đa số ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Đại biểu Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) lưu ý, dự án Luật chưa phản ánh đầy đủ quyền của thanh niên trong Hiến pháp năm 2013. Đó là quyền của thanh niên trong việc tham gia quản lý Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội; các quyền chính trị và nhân thân cơ bản như bầu cử, ứng cử do luật định, quyền tiếp cận thông tin, quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm... Đại biểu đã dẫn chứng về các sự việc diễn ra trong xã hội gần đây như hành vi lệch chuẩn của thanh niên trên mạng xã hội hay việc một học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì có hành vi không đúng đắn, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc... Theo đại biểu, các vụ việc này đều liên quan đến các quyền cơ bản của thanh niên. Do đó, dự án Luật vừa phải bảo đảm các quyền cơ bản này vừa có tính định hướng, tuyên truyền, giáo dục kịp thời cho thanh niên. |
Theo TTXVN