Phát huy hiệu quả giám sát của Mặt trận

.

Trong nhiều năm qua, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố ngày càng đi vào nền nếp, sâu sát cơ sở và nắm chắc địa bàn. Các kiến nghị qua giám sát phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, hội viên và đoàn viên.  

Công tác giám sát của Mặt trận thành phố ngày càng đi vào nền nếp, phù hợp với tình hình thực tiễn. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng.
Công tác giám sát của Mặt trận thành phố ngày càng đi vào nền nếp, phù hợp với tình hình thực tiễn. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng.

Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW (khóa XI) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Để triển khai hiệu quả nghị quyết này, ngày 17-4-2014, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng xây dựng Kế hoạch số 34-KH/TU triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW với nhiều nội dung cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên, từ năm 2014 đến nay, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố đã ban hành 46 văn bản hướng dẫn, triển khai 21 quy chế, chương trình phối hợp; tổ chức 58 lớp tập huấn cho gần 4.900 lượt cán bộ trong hệ thống về thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, nhằm phát huy vai trò, nói lên tiếng nói chính đáng của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớn nhân dân, hội viên, đoàn viên. “Trên tinh thần đó, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội vừa thực hiện tốt các nội dung của giám sát thường xuyên, vừa bảo đảm hiệu quả giám sát chuyên đề đã đăng ký với các cấp ủy Đảng”, bà Kim Liên nói.

Điểm nổi bật trong thực hiện giám sát thường xuyên là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã chủ trì 107 buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng khóa XIII và XIV với cử tri 7 quận, huyện; với hơn 27.300 lượt cử tri tham dự. Các cử tri đã kiến nghị và Mặt trận tiếp thu, tổng hợp hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của thành phố. Cùng với đó, Mặt trận các cấp chủ trì hơn 1.600 cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND thành phố và HĐND cấp xã (trước 22-5-2016) và HĐND cấp quận, huyện (sau 22-5-2016) với tổng số hơn 171.800 cử tri thành phố tham gia; đề đạt hơn 15.800 ý kiến, kiến nghị.

Bên cạnh đó, các nội dung giám sát việc hỗ trợ đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng các dự án; cấp phát các khoản cứu trợ, phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, đối tượng chính sách và giám sát thực hiện quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở từ năm 2013 đến nay của Mặt trận đã phát huy hiệu quả, bảm đảm dân chủ, công bằng, công khai minh bạch.

Đối với giám sát chuyên đề, Mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố đã chủ trì 73 đoàn giám sát, trong đó Mặt trận thành phố đã chủ trì 8 chuyên đề giám sát. Chỉ riêng qua nội dung giám sát cán bộ, công chức, đảng viên, có 14 trường hợp được Mặt trận các phường, xã nhắc nhở, góp ý về quy định, tác phong làm việc; 1 công chức xã bị đề nghị xử lý kỷ luật hình thức khiển trách do vi phạm công tác tham mưu trong quản lý đất đai; 1 cán bộ địa chính xây dựng tự ý nghỉ việc không phép được phát hiện.

Mặt trận các cấp cũng góp ý 2 cán bộ, công chức, người lao động tại bộ phận một cửa về thái độ tiếp công dân chưa chuẩn mực. Ngoài ra, Mặt trận giám sát 11 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với các hộ dân. Tiêu biểu như giám sát đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với nhân dân tại khu vực Cồn Dầu (phường Hòa Xuân); đối thoại về công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng; đối thoại hoạt động kinh doanh tại chợ Hòa Khánh; xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn; đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1, 2 và giám sát tổ liên ngành xử lý các nội dung liên quan đến hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc; đối thoại với người dân phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) về dự án khu du lịch sinh thái biển Nam Ô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, bà Đặng Thị Kim Liên cho biết vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong công tác giám sát. Trong đó, một số địa phương còn lúng túng trong xác định nội dung, phương thức giám sát, nhất là thiếu thông tin để triển khai giám sát. Chất lượng giám sát ở cấp cơ sở chưa cao, còn mang tính hình thức. Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp cơ sở tham gia công tác giám sát còn ít, chưa thường xuyên.

Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với một số địa phương vẫn còn chậm, để kéo dài. Cũng theo bà Liên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa phân biệt rõ giữa giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và giám sát của HĐND các cấp. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, trong thời gian đến Mặt trận thành phố tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nhanh chóng khắc phục hạn chế để thực hiện tốt hơn hiệu quả giám sát trên các ngành, lĩnh vực theo quy định tại Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Bài và ảnh: D.MINH

;
;
.
.
.
.
.