Trong năm 2019, các tỉnh miền Trung chịu nhiều thiệt hại do cháy rừng gây ra. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, năm qua đã xảy ra 15 vụ cháy gây thiệt hại khoảng hơn 17 hecta rừng. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là ý thức của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng như đốt rác, đốt thực bì…
Kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại một số địa phương. |
Liên quan đến vụ cháy rừng tại xã Hòa Sơn, ngày 23-11 vừa qua, TAND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) mở phiên xét xử tuyên phạt ông Dương Văn Chít (56 tuổi, ngụ xã Hòa Sơn) 9 tháng tù về tội vi phạm quy định về PCCC. Theo đó, khoảng 7 giờ 30 sáng 28-6, sau khi dọn dẹp, ông Chít gom rác đưa ra phía sau nhà để đốt. Sau đó, ông Chít dùng nước để dập tắt lửa rồi rời khỏi nhà. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, ngọn lửa cháy trở lại làm cháy lan ra rừng keo và bạch đàn gần bên. Nhận tin báo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC, bộ đội, công an, kiểm lâm, dân phòng… được huy động nhưng phải sau nhiều giờ, ngọn lửa mới được khống chế. Hậu quả, vụ cháy đã khiến 5,7ha rừng bị cháy hoàn toàn, không có khả năng hồi phục. Tổng trị giá tài sản thiệt hại được xác định hơn 200 triệu đồng.
Hiện tổng diện tích rừng của thành phố Đà Nẵng hơn 60.000ha, tập trung chủ yếu tại các khu vực các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang… Theo quy định của lực lượng kiểm lâm và chính quyền thì phải có văn bản, được sự đồng ý của địa phương, người dân mới được đốt thực bì. Song thực tế, người dân vẫn bất cẩn, chủ quan trong đốt, dọn thực bì hay đốt lửa khi đi dã ngoại, ném tàn thuốc tùy tiện... gây cháy rừng.
Thiếu tá Trần Thanh Hải, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Công an thành phố cho biết, qua một số vụ cháy rừng diễn ra thời gian qua, Công an thành phố đã có văn bản yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tăng cường kiểm tra công tác PCCC tại một số địa phương có rừng trên địa bàn như Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Hiệp Bắc, Thọ Quang…; qua đó, phát hiện các tồn tại trong công tác phòng cháy rừng tại các địa phương và đề xuất các hướng khắc phục.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố cũng đã đề nghị chủ rừng, UBND các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân không tự ý đốt thực bì trong thời tiết nắng nóng; có biện pháp quản lý người lạ vào rừng sử dụng nguồn lửa gây cháy; tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng và nhân dân địa phương về công tác PCCC rừng, kiểm tra hệ thống giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện tại chỗ…
Cũng theo Thiếu tá Trần Thanh Hải, dù phương tiện PCCC có hiện đại đến đâu, để công tác PCCC rừng thực sự đạt hiệu quả, ý thức của người dân vẫn là một trong những giải pháp then chốt. Vì vậy, cần có biện pháp tuyên truyền sinh động, sâu sát nhân dân, để họ ý thức được hậu quả do cháy, nổ gây ra, có một chế tài xử phạt phù hợp có tính răn đe để công tác PCCC đạt hiệu quả.
MINH THÀNH