Sau những 'đường hoa'...

.

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến dịp lễ, Tết, mới đây là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các con đường xung quanh các trường học từ mẫu giáo cho đến đại học trên địa bàn thành phố lại ngập tràn những sắc hoa rực rỡ.

Tuy nhiên, đáng nói là, việc mua bán hoa này để lại những vấn đề cần quan tâm. Từ vài ngày trước, trên những vỉa hè ở những con đường tấp nập người - xe qua lại đã được nhiều nhóm bạn trẻ “xí chỗ” dựng lều, cắm trại để bán hoa. Những đoạn đường này giao thông lập tức bị “thắt cổ chai”, đặc biệt, đến ngày lễ, Tết thì không những vỉa hè bị trưng dụng để mở điểm bán hoa mà ngay cả lòng đường cũng bị lấn chiếm.

Nhiều đoạn đường giao thông rối loạn, Đáng nói hơn, khi việc mua-bán hoa hạ màn, thì cũng là lúc những con đường hoa này trở thành những con đường... rác. Những cánh hoa tàn, những nhánh lá héo, những giỏ hoa hỏng và cả những bao bì thức ăn, thức uống... tất cả được vứt tràn ra lên vỉa hè, xuống cả lòng đường, tạo cảnh tượng nhếch nhác, phản cảm. Những công nhân vệ sinh môi trường lắc đầu ngao ngán vì công việc thu dọn rác bỗng nhiên tăng vọt, vất vả thêm nhiều.

Không vơ đũa cả nắm, vì trong số hàng trăm nhóm bạn trẻ tổ chức bán hoa, cũng đã có những nhóm có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường. Tiếc rằng, số nhóm đó không nhiều.

Có không ít bạn trẻ tham gia bán hoa dịp này thì cũng đã đôi lần tham gia những chiến dịch giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường do các cấp Đoàn Thanh niên phát động, vì vậy thật khó để tìm lý do để bao biện.

Hỏi cũng là để trả lời. Mong rằng, những mùa lễ, Tết sau, những bạn trẻ “lập nghiệp” này hãy là những người tuân thủ pháp luật. Chỉ có vậy, những con đường hoa đầy màu sắc mới thực sự là những con đường đẹp, trong mắt mọi người.

Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.