Cần thêm những tấm lòng sẻ chia với nỗi đau da cam

.

Đà Nẵng hiện có 5.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin; trong đó, có khoảng 1.400 trẻ em, song chỉ có khoảng 120 trẻ em được học tập, sinh hoạt tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. Tuy nhiên, dù ở gia đình hay sinh hoạt tại trung tâm thì hầu hết các em đều gặp khá nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.

Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam nhận quà tại chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam 2019”.
Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam nhận quà tại chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam 2019”.

Bé H. (SN 2005, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bị khuyết tật từ trong bụng mẹ. Chào đời với hình hài không trọn vẹn, thể trạng yếu ớt, tuổi thơ của H. là những ngày dài ở bệnh viện vì căn bệnh suy hô hấp. Lớn lên, H. được đưa vào học tập và sinh hoạt ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố (cơ sở 1, tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê).

Bây giờ, H. đã biết tự vệ sinh cá nhân, biết thực hiện một số công đoạn của nghề hoa giấy và cũng biết đánh vần từ “ba” và “mẹ”. Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở đó và H. chỉ cười, vui vẻ khi ở trung tâm, còn khi về nhà thì không dám đi đâu. Tâm sự với chúng tôi, chị P.T.T. (mẹ của H.) nói như khóc: “Mừng là con vào đây có được niềm vui với những bạn cùng hoàn cảnh, có cô giáo thương yêu giúp đỡ, nhưng sau này con đủ 18 tuổi thì đi đâu, tôi cũng thực sự không muốn nghĩ”.

1.400 trẻ em nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn thành phố, dù sống và sinh hoạt ở gia đình hay được học tập tại 3 cơ sở trực thuộc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh thành phố thì cũng là 1.400 nỗi lo như thế của các bậc cha mẹ.

Chất độc da cam/dioxin quái ác đã ngấm vào trong máu, trong từng tế bào của các em, khiến các em bị khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động, vì vậy, việc sinh hoạt rất khó khăn. Bà Võ Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh (phụ trách cơ sở 1) cho biết:

“Cả 3 cơ sở có 120 trẻ em đăng ký học tập và sinh hoạt đều có xe đưa đón hằng ngày, thế nhưng, gần như chưa bao giờ tổng số trẻ tham gia đủ con số này. Nguyên nhân chính là các em hay đau ốm, nghỉ học thường xuyên. Sức khỏe như vậy, còn trí tuệ để tiếp thu kiến thức thông thường nhất đối với các em cũng là “núi cao”. Đã có em học 5 năm mà chỉ đánh vần được tên mình, 5 năm học nghề may nhưng chỉ may được đường may thẳng còn đường may cong thì các em chịu...”, bà Thu cho hay.

Có lẽ vì những cái khó kể trên mà gần 6 năm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh thành phố đi vào hoạt động, chỉ vỏn vẹn hơn 10 em hòa nhập cộng đồng và tạm sống được với nghề đã học từ trung tâm.

Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cho biết: So với các địa phương khác trên cả nước, Đà Nẵng luôn được Trung ương Hội đánh giá cao về công tác vận động, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói chung và trẻ em bất hạnh nói riêng. Đặc biệt, chương trình “Đồng hành, chia sẻ nỗi đau da cam” được tổ chức hằng năm đã vận động từ các tổ chức, cá nhân hàng chục tỷ đồng/năm. Đây là nguồn lực chính để Hội chăm lo cho nạn nhân da cam nói chung và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam nói riêng.

Tuy nhiên, khó khăn còn rất nhiều, đặc biệt là đối với tương lai của trẻ. Số các em sau khi học nghề may, làm hoa, làm hương và sống bằng nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, theo ông Tô Năm, so với ở nhà, thì việc các em đến học tập, sinh hoạt ở trung tâm vẫn tốt hơn. Khảo sát thực tế của Hội cho thấy, những trẻ sống ở gia đình thường rơi vào tình trạng tự kỷ, mặc cảm, xa lánh mọi người. Tuy nhiên, để 1.400 trẻ em trên toàn thành phố được đến trung tâm học tập, sinh hoạt, trong điều kiện hiện nay là điều không thể, vì quá tải. Đây là bài toán khá nan giải hiện nay của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, bên cạnh các chế độ chính sách của Nhà nước, thành phố và nguồn huy động từ cộng đồng, Hội nạn nhân da cam còn là địa chỉ tìm đến của rất nhiều tổ chức, cá nhân đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có gần 70 tổ chức, cá nhân đến thăm và hỗ trợ kinh phí cho Hội để chăm sóc cho nạn nhân da cam, nhất là đối với trẻ em. Tuy nhiên, cũng theo ông Tô Năm, các nguồn hỗ trợ không ổn định, nên các kế hoạch mang tính lâu dài gần như không thể triển khai. Vì vậy, trong thời gian đến rất cần thêm những tấm lòng tìm đến sẻ chia với những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, giúp thành phố có thêm nhiều cơ sở bảo trợ, giúp đỡ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Bởi, bên cạnh được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, các em rất cần có môi trường phù hợp để sinh hoạt, học tập hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: THANH SƠN
 

;
;
.
.
.
.
.