Ở Đà Nẵng, nhiều người khuyết tật (NKT) nêu gương sáng về ý chí và tài năng với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Chị Ngân hướng dẫn các thợ may người khuyết tật. |
Hằng ngày, chị Ngân và một người em bị thiểu năng trí tuệ làm nghề may gia công bao bì tại nhà. Hai chị em tật nguyền nương tựa nhau mà vươn lên. Chị Ngân vừa may, vừa lo liệu việc giao nhận hàng. Công việc vất vả, thu nhập thấp, song, nhờ chăm chỉ, siêng năng, hai chị em cũng tự trang trải được cuộc sống. Ngoài kiếm sống hằng ngày, chị Ngân tranh thủ đi học tiếng Anh, tin học…; qua đó, chị sử dụng được vi tính và thông thạo nhiều nghiệp vụ kế toán.
Chị Ngân cũng hăng hái tham gia công tác Hội Người khuyết tật. Xông xáo, hòa đồng với tập thể, cùng với nhiều năng khiếu văn thể mỹ, chị được những người đồng cảnh ngộ quý mến. Hằng năm, chị Ngân còn tự nguyện tham gia các chương trình từ thiện nhân đạo để giúp đỡ những người “kém may mắn hơn”. Từ năm 2016, chị Ngân được giao làm cán bộ quản lý của Công ty TNHH Tâm Ánh Minh, do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố thành lập để tạo việc làm cho người khuyết tật. Bên cạnh trực tiếp gia công, mỗi ngày đến xưởng, chị Ngân phân công công việc cho từng người, liên hệ đầu vào, đầu ra, tạo được việc làm ổn định cho nhiều thợ may người khuyết tật với sản phẩm chủ yếu là thảm lau nhà.
Trong niềm vui vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen, chị Ngân tâm sự: “Giá tiền công mỗi kg sản phẩm vải lau chỉ có 3.000 đồng, nhưng ai cũng phấn khởi, vì cảm thấy bản thân trở thành người có ích, không còn mặc cảm mình là gánh nặng cho gia đình. Thấy chị em vui, tôi cũng vui lây”, chị Ngân cười hiền.
Một trường hợp khác, chị Trần Thị Huệ, 36 tuổi, ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) cũng là tấm gương về nghị lực vượt lên số phận. Chị Huệ bị khuyết tật vận động từ nhỏ nhưng luôn nỗ lực trên con đường học vấn, thời học phổ thông, năm nào chị Huệ cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Huệ đã được chọn tham gia chương trình đào tạo công nghệ thông tin miễn phí ở Hà Nội, do Tổ chức Hỗ trợ người khuyết tật (Hoa Kỳ) tài trợ.
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Huệ về làm việc tại Trung tâm Gia đình Trẻ tự kỷ ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu). Cô giáo khuyết tật luôn vận dụng tốt kiến thức sư phạm vào việc chăm sóc các em mắc bệnh tự kỷ với tất cả niềm say mê, tâm huyết. “Mình khiếm khuyết về vận động nhưng nhất thiết không thể khiếm khuyết về tâm hồn và trí tuệ, và luôn nỗ lực phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của người giáo viên dạy trẻ tự kỷ”, chị Huệ trải lòng.
Không riêng chị Trịnh Thị Ngân hay chị Trần Thị Huệ, trên địa bàn Đà Nẵng còn có hàng trăm tấm gương NKT vượt khó vươn lên, vừa tạo được cuộc sống ổn định, vừa trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Có thể kể một số gương tiêu biểu như anh Trần Đình Hải, ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), bị khuyết tật chân, dù đi lại khó khăn nhưng miệt mài luyện tập thể thao, trở thành vận động viên đa năng, đạt nhiều giải thưởng cao tại các hội thao NKT toàn quốc.
Hay như anh Nguyễn Xuân Bách ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), bị sốt bại liệt từ nhỏ gây teo cơ chân trái, sau đó bị tai nạn bom mìn làm cụt bàn tay phải, đã kiên trì học nghề vẽ tranh sơn dầu trên đá, sống được với nghề; đồng thời, hăng hái tham gia công tác xã hội. Chị Lê Thị Thu Hiền ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), bị cụt chân do tai nạn giao thông nhưng nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và thể thao, trở thành giao dịch viên giỏi của ngành bưu điện; giành nhiều huy chương về thi đấu cầu lông trong nước và khu vực, hai lần được đứng trên bục cao nhất tại đấu trường Pragames với nội dung cầu lông đơn nữ…
Có thể nói, từ học tập đến lao động và công tác, nhiều NKT nêu gương sáng về nghị lực và tài năng giúp bản thân ổn định cuộc sống; đồng thời, đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM