Ngày 22-12 hằng năm là ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là Ngày hội quốc phòng toàn dân. Không chỉ quân nhân phấn khởi, tự hào, mà với mỗi người dân Việt Nam, đây cũng là một ngày hội lớn.
Lực lượng dân quân và các đoàn thể tham gia dọn vệ sinh thôn xóm trong Ngày hội đoàn kết quân dân ở xã Hòa Nhơn - huyện Hòa Vang. |
Ngày hội không chỉ rầm rộ với những hoạt động văn hóa-thể thao, giao lưu sôi nổi, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống, hay những buổi gặp mặt thân tình, cảm động với hàng ngàn cựu chiến binh, sĩ quan dự bị, quân nhân xuất ngũ diễn ra trên khắp các địa phương, mà không khí của ngày hội còn là dịp để mỗi người lắng lại, nghĩ suy về ý nghĩa sâu xa của Ngày hội quốc phòng.
Ra đời cách đây tròn 30 năm (1989-2019), Ngày hội quốc phòng toàn dân có ý nghĩa to lớn, là ngày hội thể hiện ý chí của toàn dân với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, khẳng định quyết tâm giữ vững hòa bình độc lập cho một đất nước đã từng phải trải qua hàng ngàn năm chiến tranh và đô hộ. Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống giặc ngoại xâm, truyền thống của dân tộc Việt Nam là truyền thống yêu nước. Quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân ở nước ta đã xuất hiện từ rất sớm và trở thành sức mạnh vĩ đại để giành thắng lợi trong mọi cuộc trường chinh giữ nước. “Nước lấy dân làm gốc”, “ngụ binh ư nông”, khi đất nước bị xâm lược, già trẻ, gái trai đều đứng lên mang gậy tầm vông đi đánh giặc. Lật giở từng trang sử hàng ngàn năm về trước vẫn còn tươi rói hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu nữ nhi oai nghiêm cưỡi voi ra trận đền nợ nước, trả thù nhà; hình ảnh một thiếu niên Trần Quốc Toản từng bóp nát quả cam trước Hội nghị Diên Hồng; một vị tướng tài ba Trần Hưng Đạo với 3 lần đánh thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng chỉ bằng những cây cọc gỗ.
Và những ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn thể người dân Việt Nam đã đứng lên chống giặc, “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng giáo mác, gậy gộc…”. Từng đoàn quân xuất thân từ những người trí thức, từ tầng lớp công nhân, nông dân đã nối nhau lên đường ra trận, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Áo nâu chân đất, khoai sắn thay cơm, đạn bom và cái chết không khuất phục được ý chí con người. Toàn dân đánh giặc, toàn dân giữ nước. Bằng lòng yêu nước nồng nàn, triệu triệu người dân Việt Nam đã đồng sức đồng lòng, tạo nên sức mạnh đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc đã minh chứng: công cuộc quốc phòng toàn dân có được chính là từ lòng yêu nước của nhân dân. Như lời Bác Hồ đã khẳng định: “Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân. Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”…
Phát huy sức mạnh đoàn kết bảo vệ vững chắc vùng biển quê hương. |
Ngày nay, “thế trận lòng dân” vẫn được tái hiện mạnh mẽ trong quan điểm quốc phòng toàn dân của Đảng ta. Từ trường học đến nhà máy, công trường, đồng ruộng…, ý nghĩa của nhiệm vụ quốc phòng toàn dân vẫn luôn được nhắc nhở, thấm nhuần trong tâm tư, suy nghĩ của mỗi người dân đất Việt. Ngày hội quốc phòng 22 tháng 12 hằng năm vẫn là dịp để mỗi người bộc lộ và thể hiện ý thức trách nhiệm của mình. Cha ông ta đã đổ biết bao máu xương để giành lại trọn vẹn đất nước từ tay kẻ thù xâm lược. Bờ cõi có yên thì mới xây dựng được dân cường, nước thịnh. Ngày hội quốc phòng toàn dân là cơ sở để củng cố thêm niềm tin, là dịp để tuyên truyền sâu rộng hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đến với mọi người, mọi tầng lớp nhân dân.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng của người chiến sĩ, mà tất cả mỗi người già trẻ, gái trai đều phải chung tay góp sức bằng chính lòng yêu nước của mình. Khi cần, tất cả đều sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc, hăng hái gia nhập lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên, nêu cao cảnh giác trước mọi âm mưu chống phá của kẻ thù, giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng. Đó chính là những việc cần phải làm để Ngày hội quốc phòng thực sự mang ý nghĩa là ngày hội bảo vệ Tổ quốc của toàn dân, trong thời đại mới.
Bài và ảnh: Cát Tường