Mong ước ngày trở về...

.

Nhiều can, phạm nhân đang thi hành án tại Trại tạm giam Hòa Sơn (Đà Nẵng) không kìm được cảm xúc khi nói về gia đình giữa lúc Tết đang đến rất gần. Một mùa Tết sum vầy với bao gia đình, nhưng với họ, đây là Tết chia xa với bao nỗi niềm...

Phạm nhân lao động tại trại giam. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Phạm nhân lao động tại trại giam. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Những nỗi niềm...

Đây là cái Tết thứ hai của phạm nhân Đ.T.C.L (SN 1973, trú đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) tại Trạm tạm giam Hòa Sơn. L. bị tòa kết án do cầm đầu đường dây cờ bạc dưới hình thức ghi lô đề tại Đà Nẵng cuối năm 2016 và được đưa ra xét xử hồi tháng 5-2018. Điều đáng nói, những “đồng phạm” của L. trong đường dây này phần lớn là bạn bè, người thân, trong đó có cả anh ruột và cháu ruột. Khi chuyên án được phá, từng người trong gia đình L. chịu những bản án thích đáng cho hành vi đánh bạc, ghi đề. “Tết năm ngoái là cái Tết buồn cho cả gia đình tôi”, L. rụt rè mở lời, ánh mắt buồn bã. “Lần đầu tiên tôi ăn Tết trong trại giam với nỗi buồn đặc quánh, ân hận dày vò; lo lắng không biết ở nhà mấy cha con chuẩn bị Tết như thế nào...”, L. tâm sự.  

Với H.Đ.C, H.Đ.L, Tết Canh Tý 2020 là cái Tết thứ hai mà hai anh em trải qua tại Trại tạm giam Hòa Sơn với tội danh cố ý gây thương tích cho người khác, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong một buổi lao động cải tạo trước thềm năm mới, H.Đ.C chia sẻ rằng, điều khiến anh day dứt nhất trong những ngày tháng xa nhà là lo má ở nhà buồn rồi đổ bệnh. Ba mất sớm, má một mình tần tảo nuôi hai người con khôn lớn. Chưa một ngày trả hiếu cho má thì H.Đ.C và H.Đ.L lao vào những cuộc ăn chơi cùng nhóm bạn, hình thành phe nhóm xử lý các mâu thuẫn bằng nắm đấm. H.Đ.C nói: “Mỗi lần vào thăm, má đều dặn mấy anh em tôi phải cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình. Bữa trước má vào, hứa cận Tết sẽ đăng ký vào thăm, mang ít đòn bánh tét, bánh lăn, ít gói mứt gừng quê mà hồi ở nhà chúng tôi hay ăn. Tết trong trại giam, chúng tôi không thiếu thốn gì, nhưng vẫn thích ăn những thứ má gửi vào, vì nó gói ghém cả tình cảm và lòng vị tha của má”.

Lần theo địa chỉ mà cán bộ quản giáo cung cấp, chúng tôi gặp bà Huỳnh Thị Ch., má của H.Đ.C và H.Đ.L tại tổ 42 phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Trong căn nhà với mấy bức tường đã cũ, vừa nghe chúng tôi mở lời, bà đã bật khóc. Chuyện của con, với bà không chỉ là niềm đau mà còn là sự thất bại trong cách giáo dục, uốn nắn con cái. “Từ ngày tụi nó đi tù, tháng nào tôi cũng đi thăm, mang theo vài món ăn nó thích. Tết năm ngoái, tôi gói mấy đòn bánh tét, muối vài ký thịt heo mang vào cho tụi nó ăn với mời bạn bè, năm ni chắc cũng thế. Tôi mong sau những ngày tháng được cải tạo, sau những cái Tết xa nhà, các con sẽ trưởng thành và biết suy nghĩ chín chắn hơn về những việc mình đã làm, để tránh lặp lại sai lầm”, bà Ch. bộc bạch.

Không gian đủ đầy hương vị ngày xuân

Năm nào cũng vậy, từ hai mấy tháng Chạp, tại các phân trại, các buồng giam thuộc Trại tạm giam Hòa Sơn, không khí chuẩn bị đón Tết rộn ràng khi các can, phạm nhân cùng nhau trang trí những câu chúc mừng năm mới, gắn hoa mai, hoa đào giả lên những cành nhánh quanh các khuôn viên. Ngoài sân, từng vạt hoa sam đủ màu sắc trắng, hồng, vàng, đỏ bung nở. Những vạt rau cải, rau tần ô, hành, ngò, xà lách xanh mơn mởn nhờ bàn tay chăm bón của các phạm nhân đang thụ án. Từ 29 tháng Chạp đến hết mồng 3 Tết, theo quy định của Bộ Công an, các can, phạm nhân đang thi hành án tại các trại giam trên cả nước đều được hưởng chế độ ăn uống gấp 5 lần bình thường. Đặc biệt, tại Trại tạm giam Hòa Sơn, mỗi can, phạm nhân đều được UBND thành phố “lì xì” 200.000 đồng.

Thượng tá Trần Ngọc Hồng, Phó Giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn cho biết, Tết ở các gia đình được tổ chức như thế nào thì trong trại giam, các can, phạm nhân được đón Tết y như vậy. Ngoài việc gói bánh chưng, bánh tét, mổ heo, chuẩn bị lương thực dự trữ dùng trong mấy ngày đầu năm, Trại tạm giam Hòa Sơn cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo không khí đầm ấm, kết nối những con người từng một đôi lần lầm đường lạc lối tìm về với nẻo thiện.

Thượng tá Trần Ngọc Hồng nói rằng, trong năm có những can, phạm nhân sống khép mình, ít giao tiếp, chỉ làm việc theo trách nhiệm và nghĩa vụ được ban quản giáo phân công nhưng khi tham gia các hoạt động giao lưu ngày Tết, họ đã nở nụ cười, kết nối, chia sẻ và nói lên câu chuyện của mình. Những món quà Tết mà gia đình thăm gửi, được mỗi bạn tù mang ra chia sẻ như chia cho nhau niềm vui và niềm hy vọng được trở về trong vòng tay yêu thương của vợ chồng, mẹ cha, bà con hàng xóm.

Cũng theo Thượng tá Trần Ngọc Hồng, một số món ăn ngày Tết như thịt heo, dưa món, bánh chưng, bánh tét, hạt dưa, mứt gừng, bánh kẹo... được trại giam chuẩn bị chu đáo. Ngoài ra, căng-tin còn phục vụ đầy đủ các nhu yếu phẩm người Việt thường dùng trong dịp Tết như phong bao lì xì, cà-phê, trà, mứt... Đối với những can, phạm nhân vì điều kiện khó khăn mà người nhà không thể đến thăm, trại sẽ tìm hiểu và có những suất quà động viên, từ đó thôi thúc họ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về đoàn viên trong những mùa Tết sau.

Trong năm có những can, phạm nhân sống khép mình, ít giao tiếp, chỉ làm việc theo trách nhiệm và nghĩa vụ được ban quản giáo phân công nhưng khi tham gia các hoạt động giao lưu ngày Tết, họ đã nở nụ cười, kết nối, chia sẻ và nói lên câu chuyện của mình.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.