Nghị lực từ đôi bàn tay

.

Đó là câu chuyện về nỗ lực vươn lên cuộc sống của những người khuyết tật, lao động phổ thông, nhọc nhằn; trong số đó, có cả những người đến từ những địa phương khác chọn Đà Nẵng để mưu sinh.

Chị Huỳnh Thị Xinh (ngồi xe lăn) dạy thêm tại nhà.
Chị Huỳnh Thị Xinh (ngồi xe lăn) dạy thêm tại nhà.

Chị Huỳnh Thị Xinh, 56 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), bị liệt hai chân từ nhỏ. Vượt qua bao khó khăn trên đường đến trường, chị Xinh học hết lớp 12, rồi tự nghiên cứu, học hỏi kỹ năng sư phạm. Người phụ nữ đơn thân được thành phố bố trí ở nhà liền kề tại khu dân cư Xuân Thiều (quận Liên Chiểu). Từ kiến thức tự học, chị Xinh mở lớp dạy kèm, bổ trợ kiến thức tại nhà cho các học sinh tiểu học và THCS. Mặc dù không một ngày học chuyên môn nghiệp vụ, song chị Xinh giảng bài rất sinh động, dễ hiểu. Vì vậy, các lớp dạy thêm của chị luôn nhộn nhịp học sinh và hiện có gần 50 em học thêm ở nhà giáo khuyết tật này với nhiều ca khác nhau. Trong quá trình dạy thêm, chị Xinh thường xuyên miễn giảm học phí cho học sinh mồ côi và học sinh con hộ nghèo.

Ông Phạm Tiến, 57 tuổi, ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), hồi mới xuất ngũ, cuộc sống hết sức khó khăn. Về với đời thường, ông Tiến đã làm nhiều công việc nhọc nhằn, sau đó chọn nghề đá mỹ nghệ để mưu sinh. Dốc tâm sức học nghề, làm thợ và học cách chế tác đồ đá mỹ nghệ, ông Tiến đã mở được cơ sở riêng. Kiên trì tích lũy, lấy ngắn nuôi dài, dần dần ông Tiến trở thành chủ một doanh nghiệp lớn với gần 20 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ. Sản phẩm của ông được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong nước và nước ngoài. Thời gian qua, người cựu chiến binh này đã ủng hộ các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, khuyến học khuyến tài hàng trăm triệu đồng, bảo trợ dài hạn chi phí học tập cho 6 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hay trường hợp bà Huỳnh Thị Kiệm ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), chồng mất sớm, một mình tảo tần nuôi 3 con nhỏ đi học. Bao năm dãi dầu bán thức ăn và nước giải khát bên lề đường, bà Kiệm đã nuôi 3 con học hành chu đáo, hiện 2 người con lớn đã tốt nghiệp đại học, còn con trai út đang học lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh. Chị Châu Nữ Hiền Thảo ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) tự tìm tòi, học hỏi rồi trở thành người đánh vi tính rất giỏi, thông thạo nhiều chương trình tin học, hiện làm việc tại Dịch vụ vi tính Ái Lan trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng), khách hàng tìm đến chị ngày càng đông bởi chị Thảo làm việc nhanh, trình bày đẹp...

Trò chuyện với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Kiệm chỉ mong luôn mạnh khỏe để nuôi con ăn học cho đến nơi đến chốn. Còn chị Châu Nữ Hiền Thảo từ tốn bộc bạch: “Trời cho hai bàn tay để lao động, tôi cũng phải cố gắng như bao người”...

Đất lành chim đậu

Trên hành trình xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều người. Từ quê ra phố kiếm sống, nhiều người nêu gương sáng về ý chí và tài năng vượt khó vươn lên. Đơn cử như, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 39 tuổi, quê xã Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam), đến Đà Nẵng mưu sinh đã gần 20 năm, lúc đầu đi bán hàng dạo, sau chuyển sang đi bỏ hàng cho các doanh nghiệp tư nhân. Chị Hạnh chăm chỉ làm việc và tích cực mở rộng đầu mối tiêu thụ, qua đó, thu nhập ngày càng khá hơn. Chồng chị, anh Tưởng Tâm, cũng quê Quảng Nam, ra Đà Nẵng học nghề sửa xe máy, rồi đi làm công cho một tiệm sửa xe. Giỏi nghề và tạo được uy tín với khách hàng, một năm sau, anh Tâm mở tiệm riêng. Từ chỗ phải thuê trọ, bây giờ vợ chồng chị Hạnh đã có ngôi nhà 3 tầng trên đường Phan Huy Ôn (quận Hải Châu) và một dãy phòng cho thuê trọ. Tiệm sửa xe của anh chị thường xuyên đông khách, nhiều lúc khách đem xe đến sửa để kín cả trong nhà, ngoài hiên.

Anh Đỗ Bá Huy, 36 tuổi, hiện trú phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) đã trở thành tấm gương sáng về tuổi trẻ lập thân lập nghiệp. 17 năm trước, từ một vùng quê nghèo ở phía bắc, anh Huy đến Đà Nẵng xin làm thuê cho các chủ vườn với giá tiền công chưa tới 20.000 đồng/ngày. Chàng trai nghèo xa quê bền bỉ lao động và chăm chú học hỏi kỹ thuật trồng hoa. Sau nhiều năm cần cù lao động, dành dụm, anh Huy mạnh dạn thuê đất trồng hoa tại phường Hòa Thọ Tây. Giỏi vận dụng tiến bộ kỹ thuật, hoa của anh Huy vụ nào cũng đẹp mắt và có thương lái đến mua tại chỗ. Anh còn ươm giống hoa và đúc chậu trồng hoa để bán nhằm tăng thêm thu nhập. Cảm mến người thanh niên xa xứ giỏi giang, chị Nguyễn Thị Anh Trinh - cô gái Hòa Vang xinh xắn, đã cùng anh xây đắp tương lai. Ngày ngày, anh chị miệt mài chăm sóc hoa và vụ hoa nào cũng nở đúng thời điểm. Không chỉ chăm lo làm ăn, vợ chồng anh Huy tích cực ủng hộ các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa và đã nhiều lần được bình bầu là Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi...

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cuộc sống ở thành phố này thật yên bình, người dân nơi đây hiền hòa, nhân hậu và giàu tình nghĩa. “Hằng ngày, tiệm sửa xe của vợ chồng tôi luôn nhộn nhịp, nhiều hôm làm đến tận khuya, nhưng các hộ lân cận đều đồng tình và còn khen chăm chỉ làm ăn”, chị Hạnh nhấn mạnh. Có những người ở nơi khác đến Đà Nẵng sinh sống, gặp khó khăn, đau ốm, được chính quyền, đoàn thể địa phương tận tình giúp đỡ. Đơn cử như chị Lã Thị Nguyệt, quê Thừa Thiên Huế, ở trọ tại khu dân cư Hòa Mỹ 2, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), không may lâm bệnh nặng, đã được Hội LHPN phường Hòa Minh vận động kinh phí hỗ trợ kịp thời.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.