Hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước và quân đội nhằm tạo ra một lực lượng lao động quan trọng, góp phần xây dựng chính sách hậu phương quân đội. Nhiệm vụ này được các cấp chính quyền thành phố quan tâm thực hiện tốt trong thời gian qua, tuy vậy vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Anh Nguyễn Vũ Minh Trung có việc làm ổn định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. 						     Ảnh: TRỌNG HUY
Anh Nguyễn Vũ Minh Trung có việc làm ổn định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ảnh: TRỌNG HUY

Anh Nguyễn Vũ Minh Trung, Tổ trưởng Tổ cấp điện mới, Điện lực Sơn Trà (Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về được lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tiếp nhận đào tạo và bố trí công việc phù hợp. Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, anh Trung không ngừng phấn đấu rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được kết nạp Đảng. Anh Trung là một trong nhiều lao động của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được doanh nghiệp quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề và bố trí công việc ổn định.

Ông Lê Hồng Cương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, những năm qua công ty nghiêm túc chấp hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự. Người lao động sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự được công ty bố trí việc làm phù hợp trình độ, nghề nghiệp, tạo điều kiện người lao động phấn đấu, rèn luyện, phát triển Đảng và bảo đảm những chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật. Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, từ 2016 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo cho gần 2.000 bộ đội xuất ngũ có hộ khẩu thường trú thành phố; hơn 80% số học viên học nghề được giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều học viên được đào tạo nghề nhưng chưa tìm được việc làm.

Một trong những quyền lợi của công dân sau khi xuất ngũ chính là được trợ cấp đào tạo việc làm. Quy định này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP ngày 6-4-2016 của Chính phủ; trong đó khoản 3 Điều 8 đề cập: “Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm”.

Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ có nhu cầu học nghề sẽ được cấp thẻ đào tạo nghề và được lựa chọn bất kỳ cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào để đăng ký tham gia khóa học phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân. Quy định là thế, nhưng quá trình triển khai Thông tư số 43 gặp nhiều vướng mắc khiến cho thanh niên sau xuất ngũ có nhu cầu học nghề gặp rất nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Duy Lộc (trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là một trường hợp như thế. Anh Lộc ra quân năm 2019 và được cấp thẻ học nghề nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp nhận đào tạo nghề để có công việc ổn định cho tương lai.

Qua khảo sát một số trung tâm đào tạo nghề lái ô-tô, ghi nhận rất ít nơi tiếp nhận bộ đội xuất ngũ học nghề lái xe chi trả học phí theo thẻ học nghề. Ông Lê Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bảo trì và Đào tạo hướng nghiệp 579 (quận Hải Châu) cho biết, từ năm 2016 đến nay, còn 21 hồ sơ là quân nhân xuất ngũ học nghề lái ô-tô bằng thẻ học nghề nhưng vẫn chưa thanh toán kinh phí học tập cho trung tâm với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Do đó, trung tâm buộc phải thôi tuyển sinh bộ đội xuất ngũ học lái ô-tô chi trả học phí bằng thẻ học nghề. Ông Nguyễn Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái ô-tô, mô-tô STC Đà Nẵng (quận Hải Châu) cho biết, từ nhiều năm nay, do những vướng mắc không thể thanh toán học phí cho học viên là quân nhân xuất ngũ bằng thẻ học nghề nên trung tâm không tiếp nhận hồ sơ bộ đội xuất ngũ trả học phí bằng thẻ học nghề.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều vướng mắc liên quan đến thẻ học nghề đến nay chưa được giải quyết dứt điểm khiến cho quyền lợi của bộ đội xuất ngũ không được bảo đảm. “Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị lên Bộ Quốc phòng để mong được giải đáp cụ thể về các hạn mức của thẻ học nghề được sử dụng như thế nào, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Hiện nay, sở đang phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố về việc tiếp nhận và phổ biến đối với bộ đội mới xuất ngũ để triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục cũng như nhu cầu học nghề.

Việc hỗ trợ kinh phí theo thẻ học nghề do Bộ Quốc phòng cấp hiện vẫn chưa thực hiện được”, ông An nói. Theo ông An, bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề thực hiện theo Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm được thực hiện tốt, nhiều học viên là bộ đội xuất ngũ sau khi đào tạo nghề theo chính sách này đã có việc làm ổn định.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.