Thanh niên giáo dục giới tính cho trẻ em

.

ĐNO - "Chúng mình muốn xây dựng một dự án ý nghĩa, gần gũi với cộng đồng mà đặc biệt là trẻ em, với mong muốn giúp các em có đầy đủ kiến thức về giới tính, cũng như trang bị cho các em các kỹ năng để bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục...".

Một buổi sinh hoạt của S Project tại Làng SOS Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
Một buổi sinh hoạt của S Project với các em nhỏ tại Làng SOS Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Song Trà (SN 1996), người sáng lập dự án tình nguyện S Project - một dự án về giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.

1. Ý tưởng ra đời của dự án bắt đầu khi Trà được một em nhỏ hỏi: "Chị ơi, em được sinh ra từ đâu?". Câu hỏi ngây ngô của một đứa trẻ về chuyện này khiến người lớn lúng túng. Lúc ấy Trà chỉ có thể chia sẻ qua loa... Cùng với đó là một loạt câu chuyện đau lòng về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em khiến người sáng lập không thể không suy nghĩ.

Đến tháng 10-2015, S Project ra đời dưới sự bảo trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) sau một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu dài hơi của các thành viên về giáo dục giới tính, tâm lý... của trẻ. 

Dự án hướng tới trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi trên địa bàn cả nước với việc giáo dục giới tính cho trẻ, giúp trẻ tránh được nguy cơ và hậu quả không mong muốn trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý của bản thân, phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ thông qua những kỹ năng cơ bản, chia sẻ kiến thức về bình đẳng giới, chống xâm hại tình dục cho trẻ… Ngoài ra, dự án còn hướng tới "phá bỏ rào cản" giữa bố mẹ và con cái trong vấn đề nhạy cảm như sức khỏe giới tính.

Trà cho biết, những ngày đầu tiên sau khi dự án ra đời là những ngày bấp bênh. Bấp bênh, bởi lúc đó S Project - một dự án xã hội không thuộc cơ quan bảo trợ nào, nên luôn gặp khó khăn trong việc kêu gọi thành viên, tìm kiếm nguồn tài chính hoạt động. Rồi các bạn phải đi "gõ cửa", thuyết phục, tìm đơn vị bảo trợ pháp lý. Bên cạnh đó là tìm sự tin tưởng từ các trường học, trung tâm bảo trợ xã hội... 

A
Các thành viên dự án S Project cùng các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

"Đã có lúc khó khăn quá, các thành viên ngồi lại với nhau. Khi ấy có người đang vừa đi học, vừa tham gia điều hành dự án nên cũng bận rộn, mọi người chỉ muốn dừng lại... Nhưng rất may là bên cạnh bọn mình vẫn còn những người đồng hành quý giá, đó là nhiều thầy cô, cố vấn, chuyên gia, nhà tài trợ... sẵn sàng ủng hộ dự án và đặc biệt là có sự bảo trợ của CCIHP...", Trà chia sẻ.

Động lực để S Project đi được tới hôm nay còn là những em nhỏ. "Vui nhất là khi trở lại một điểm trường mình từng đi qua, các em học sinh và thầy cô vẫn còn nhớ rõ tên mình, vẫn nhiệt tình với mình kiểu như "Ôi các anh chị S Project kìa, chị Trà kìa, chị Thủy... kìa!". Đó là niềm khích lệ với bọn mình vì đã được mọi người tin tưởng, quý mến", Trà cho biết.

Bước qua năm thứ 5, S Project đã mở rộng địa bàn và số thành viên, trải dài ở nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Giang… với hơn 50 thành viên, phần lớn là sinh viên. Đến nay, đã có hơn 12.000 học sinh tiểu học và THCS được tiếp cận với các hoạt động của dự án như giáo dục kiến thức, chơi trò chơi, vẽ tranh, triển lãm các bộ ảnh về giáo dục giới tính...

"S Project đã đặt dấu chân đến nhiều tỉnh, thành phố và nhận thấy một điểm chung. Dù ở đâu đi nữa, các em học sinh vẫn còn rất mơ hồ về kiến thức giới tính. Đối tượng từ 6-15 tuổi là lứa tuổi có thừa sự tò mò về giới tính nhưng lại thiếu đi sự nhận thức và tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục". 

Ảnh: XUÂN SƠN
Nguyễn Thị Song Trà (giữa) đại diện S Project nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2018. Ảnh: NVCC

2. Tại Đà Nẵng, sau khi tuyển các tình nguyện viên tham gia dự án vào cuối năm 2018, ban điều hành dự án đã tập huấn, trang bị các kiến thức cần có cho đội ngũ tình nguyện viên. Để từ đây, đội ngũ này có mặt tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, Làng SOS Đà Nẵng...  với vai trò cầu nối, hỗ trợ các em nhỏ. Từ những câu hỏi dè dặt, ấp úng ban đầu liên quan đến sức khỏe, cơ thể, các em đã dần mạnh dạn hơn trước sự trả lời dễ hiểu của các thành viên S Project.

Sau khi tham gia trò chơi và được nghe chia sẻ từ các anh chị S Project, em N.Y.N (15 tuổi) đến từ Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố cho biết: "Sau buổi sinh hoạt, nhiều vấn đề em chưa biết, chưa hiểu hết về giới tính đã được anh chị hướng dẫn thực tế, dễ hiểu. Em và các bạn đã tiếp thu các kỹ năng của buổi sinh hoạt này để vận dụng khi cần thiết".

Bên cạnh tuyên truyền, dự án gợi mở cho các em học sinh nói lên quan điểm, suy nghĩ của bản thân về vấn đề giáo dục giới tính; tổ chức nhiều cuộc thi, sự kiện tìm hiểu về giới tính và phòng chống xâm hại tình dục.

Mỗi thành viên của S Project đều cố gắng trau dồi thêm kiến thức thông qua sách vở, các buổi training của chuyên gia để tự tin đồng hành cùng các em nhỏ. Năm 2017, hai sự kiện lớn được các bạn tổ chức là "Tôi có thể và bạn cũng thế" và "Phá bỏ rào cản giữa bố mẹ và con cái" đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng.

"Ở một số nước, phụ huynh không ngần ngại trao đổi về vấn đề giới tính với con trẻ nhưng ở Việt Nam thì còn hạn chế. Vì thế, S Project mong muốn các bậc cha mẹ trang bị kiến thức đầy đủ để trở thành bạn đồng hành cùng con, cùng con tìm hiểu và chia sẻ, giám sát con chặt chẽ để kịp thời có phương pháp giáo dục phù hợp", Trà cho hay.

Trong năm 2019, dự án đã ra mắt Bộ quy tắc ứng xử an toàn dành cho trẻ em giúp phòng chống xâm hại tình dục. Trên trang web của mình, dự án cũng đăng tải nhiều nội dung, chuyên mục với ý kiến của chuyên gia để các bậc cha mẹ tham khảo.

Trên hành trình sắp tới, các thành viên S Project cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để lan tỏa dự án rộng rãi trên khắp cả nước. Được biết, dự án nhân văn của các bạn đã nhận được giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2018 do Trung ương Đoàn phối hợp với chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.