90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TP. Đà Nẵng (28-3) - 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐÀ NẴNG (29-3)

Cuộc tháo chạy của quân đội Sài Gòn ở Đà Nẵng

.

LTS: Kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập Đảng bộ TP. Đà Nẵng (28-3-1930 - 28-3-2020) và 45 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2020), từ số báo hôm nay (18-3), Báo Đà Nẵng khởi đăng loạt bài nêu bật truyền thống cách mạng hào hùng, sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và những đổi thay của thành phố, nhất là sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997), cùng những dấu ấn quan trọng để Đà Nẵng vươn lên theo hướng văn minh, hiện đại...

Việc các đơn vị quân đội Sài Gòn tháo chạy khỏi Đà Nẵng ngày 29-3-1975 là sự thất bại toàn bộ công cuộc tổ chức phòng thủ của chế độ Việt Nam Cộng hòa tại Quân khu I, trung tâm là Đà Nẵng. Thắng lợi của quân và dân ở Đà Nẵng cùng Quân khu I góp phần lớn lao vào việc kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. 					     Ảnh tư liệu
Quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu

Sau khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, ngày 5-3-1975, cuộc tấn công của Quân giải phóng miền Nam tại Quân khu I được phát động bắt đầu từ Trị-Thiên, rồi đến Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi từ ngày 10-3-1975, tiêu diệt nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn và áp sát các đô thị.

Trước việc Trị-Thiên, Quảng Tín và Quảng Ngãi bị mất khá nhanh chóng, ngày 25-3-1975, bên cạnh việc tổ chức phòng thủ, kế hoạch di tản người Mỹ và nhân viên người Việt ở Đà Nẵng bằng máy bay dân sự được thông qua. Các tàu thuộc vùng I và vùng II hải quân quân đội Sài Gòn và 5 tàu kéo sà lan, 6 tàu khách, 3 tàu hàng cũng được đưa ra Đà Nẵng lo việc di tản (Frank Snepp, Cuộc tháo chạy tán loạn, Dịch giả: Ngô Dư, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 162-164).

Đêm 25-3-1975, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân đoàn I lệnh cho Sư đoàn 1 Bộ binh và các đơn vị quanh Huế rút về Đà Nẵng, lệnh cho Sư đoàn 2 Bộ binh ở chi khu Quảng Ngãi và thân nhân của họ ra Cù Lao Ré ngoài khơi Chu Lai. Hai tàu dương vận hạm đón Sư đoàn 2 Bộ binh tại Chu Lai đưa về Cù Lao Ré, một nửa quân số của Sư đoàn 2 lên tàu vào Bình Tuy. Khoảng 6.000 quân của Sư đoàn 2 Bộ binh đã đào ngũ, rã ngũ, không còn kỷ luật và tinh thần chiến đấu.

Thực hiện mệnh lệnh tử thủ, ngày 26-3-1975, tướng Ngô Quang Trưởng thu gom lính các đơn vị chừng 75.000 quân, lập thành hai tuyến phòng thủ quanh Đà Nẵng.

Ngày 27-3-1975, Quân giải phóng tấn công quyết liệt và chiếm được các cứ điểm Phú Gia, Hải Vân cùng các vùng lân cận. Quân đoàn 1 của quân đội Sài Gòn chỉ còn Sư đoàn 3 Bộ binh và 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến; Sư đoàn 1 và Sư đoàn 2 Bộ binh đã bị rã ngũ hoặc lên tàu di tản nên quân số còn rất ít. Quân đội Sài Gòn ở Đà Nẵng rệu rã, mất quân, cộng với cả triệu người tỵ nạn hoảng loạn tìm đường sống làm cho tình hình trở nên  không thể kiểm soát.

Vào 5 giờ 30 sáng 28-3-1975, hơn 30 khẩu pháo các cỡ của Quân giải phóng được triển khai cấp tốc tại các trận địa Sơn Thạch, Sơn Khánh, đèo Mũi Trâu bắn trực chỉ vào các căn cứ Quân đội Sài Gòn tại thành phố Đà Nẵng (Lịch sử Sư đoàn 325, Tập 2, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, tr. 202).
Ở hướng tây nam, phát hiện trinh sát chiến đấu của Quân giải phóng, Lữ đoàn 369 Thủy quân lục chiến bỏ núi Sơn Gà về giữ tuyến trong. Khi Quân giải phóng đánh chiếm quận lỵ Ái Nghĩa và sân bay Nước Mặn, tấn công căn cứ Hòa Cầm và Tòa Thị chính thành phố, Lữ đoàn 369 Thủy quân lục chiến tiếp tục lùi về An Đông, Mỹ Khê và bị hợp vây (Nguyễn Huy Toàn, Phạm Quang Định, Lịch sử Sư đoàn bộ binh 304, Tập 2, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 214).

Đến 17 giờ cùng ngày, binh lính Sư đoàn 3 Bộ binh tan chạy khiến lực lượng Thủy quân lục chiến hở sườn và bị đánh vu hồi; các đơn vị dưới quyền của tướng Ngô Quang Trưởng không còn chỉ huy được binh lính. Số 3.000 tân binh tại Trại huấn luyện Hòa Cầm đã nổi dậy phá doanh trại, ra hàng Quân giải phóng hoặc bỏ về nhà (Dương Hảo, sách đã dẫn, tr. 195).

Trong ngày 28-3-1975, việc di tản người Mỹ và nhân viên nguời Việt tại Đà Nẵng diễn ra khá phức tạp, đặc biệt việc rút quân của các đơn vị quân đội Sài Gòn còn sống sót ra các tàu của hải quân xảy ra trong sự hoảng hốt cao độ. “Binh lính rã ngũ nổi loạn, cố sức thoát ra hoặc vơ vét cái gì có thể kiếm được trong khoái lạc bắn giết và cướp bóc. Các tướng tá thì đang hoạch định các chuyến bay để bí mật trốn thoát... Sự huỷ hoại, vơ vét, trộm cướp và hãm hiếp tiếp diễn” (Alan Dawson, 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, Dịch giả: Cao Minh, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1990, tr. 37).

Tướng Ngô Quang Trưởng đã họp khẩn cấp các đơn vị trưởng nhằm ban hành một số biện pháp vãn hồi trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản, nhưng không còn đủ quân tác chiến để thực hiện kế hoạch. Số quân nhân sung vào các đơn vị tác chiến không đủ để bù vào thiệt hại do cuộc triệt thoái gây ra, nhiều sĩ quan chỉ huy đơn vị bỏ trốn, Sư đoàn 1 Không quân được lệnh di tản về Phù Cát và Phan Rang.

Mặc dù Quân đoàn I ban lệnh ứng chiến tại các tuyến phòng thủ, nhưng chiều 28-3-1975, các xã ấp quanh Đà Nẵng đã lọt vào tay Quân giải phóng; lực lượng địa phương quân, nghĩa quân tan rã, binh sĩ các binh chủng rã ngũ rời đơn vị, phi trường căn cứ hải quân bị pháo kích rất dữ dội. Trước tình thế đó, tướng Ngô Quang Trưởng vội báo cáo về Bộ Tổng tham mưu và gọi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xin được di tản bằng đường biển, và đến 22 giờ tối 28-3-1975 thì ra lệnh bỏ Đà Nẵng.  

Ngày 29-3-1975, hồi 5 giờ 55 sáng, cứ điểm phòng thủ vòng ngoài cuối cùng của quân đội Sài Gòn phía nam Đà Nẵng là Vĩnh Điện bị Quân giải phóng đánh chiếm. Đến 6 giờ 30, các cụm chốt trên đèo Hải Vân của quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt. Quân giải phóng tràn xuống đánh chiếm kho xăng Liên Chiểu, cầu Nam Ô, cầu Trịnh Minh Thế, mở đường cho xe tăng tiến ra bán đảo Sơn Trà và quân cảng Tiên Sa. Sương mù bao phủ dọc theo bờ biển, ngoài khơi các tàu di tản đã có mặt ở điểm hẹn, nhưng thủy triều thấp không vào bờ được nên quân đội Sài Gòn di tản phải lội ra biển dưới làn pháo của Quân giải phóng. Khoảng 6.000 lính Thủy quân lục chiến, 3.000 lính Sư đoàn 3 Bộ binh và lính của những đơn vị khác lên được tàu cùng với dân di tản.

Ở hướng nam, Quân giải phóng được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng và một tiểu đoàn pháo binh đã đánh chiếm khu vực Bà Rén lúc 9 giờ sáng. Tướng Ngô Quang Trưởng lệnh cho Sư đoàn 1 Không quân dùng 4 phi đội A-37 đánh sập cầu Bà Rén và cầu Câu Lâu, nhưng không cản được Quân giải phóng vượt sông bằng xuồng, ghe, bè. Lúc 9 giờ 30, trước nguy cơ thua cuộc đã gần kề, tướng Ngô Quang Trưởng và các chỉ huy cao cấp của quân đội Sài Gòn còn lại tại Quân khu I đã dùng trực thăng ra tàu HQ-404 chạy trốn.

Đến 12 giờ ngày 29-3-1975, Quân giải phóng chiếm được Sở chỉ huy Quân đoàn I. Ở hướng tây bắc, Quân giải phóng có một tiểu đoàn xe tăng phối hợp tấn công chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 3 Bộ binh và toàn bộ khu vực Phước Tường, Hòa Khánh. Tất cả các mục tiêu quan trọng như Tòa Thị chính, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài Phát thanh, Ty Cảnh sát, Ngân hàng Quốc gia, Trụ sở Quân tiếp vụ đều lọt vào tay cách mạng.

Chiều hôm đó, các đơn vị Quân giải phóng có thiết giáp đi cùng lần lượt tiến vào Đà Nẵng và trật tự được lập lại trong thành phố. Có gần 90.000 sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn và nhân viên dân sự của Việt Nam Cộng hòa không di tản được đã ra trình diện chính quyền quân quản.

Việc các đơn vị Quân đội Sài Gòn tháo chạy khỏi Đà Nẵng ngày 29-3-1975 là sự thất bại toàn bộ công cuộc tổ chức phòng thủ của chế độ Việt Nam Cộng hòa tại Quân khu I, trung tâm là Đà Nẵng. Tổn thất nặng nề về quân lực, tướng lĩnh mất tinh thần, lòng người rối loạn, lại mất Đà Nẵng cùng toàn bộ Quân khu I vào thời điểm cuối tháng 3-1975, điều đó đồng nghĩa chế độ Việt Nam Cộng hòa mất đứt gần 50% lãnh thổ và sức mạnh còn lại.

Sự thất bại đó đã làm rúng động cả Hoa Kỳ và lung lay bộ máy chính quyền Sài Gòn, đẩy thể chế Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng chuyển sang giai đoạn tồn tại cuối cùng.
Thắng lợi của quân và dân ở Đà Nẵng cùng Quân khu I vào tháng 3-1975 đã góp phần lớn lao vào việc kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
;
.
.
.
.
.