CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM (25-3-2010 - 25-3-2020)

"Tôi yêu Công tác xã hội"

Đó là tên gọi một cuộc thi khá đặc biệt do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng vừa tổ chức, thu hút đông đảo người làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội tham gia. Qua chấm chọn, Ban tổ chức đã trao nhiều giải thưởng cho các cá nhân có bài viết xuất sắc. Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 bài viết của hai tác giả: Nguyễn Thị Thu (Hội Người khuyết tật thành phố) đoạt giải nhất với bài viết “Niềm đam mê là sức mạnh” và Hồ Thị Trang (cán bộ UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đoạt giải nhì với bài viết “Tôi yêu Công tác xã hội”.

Trong bài viết “Niềm đam mê là sức mạnh”, tác giả Nguyễn Thị Thu khiến người đọc xúc động bởi câu chuyện của chính cuộc đời kém may mắn của mình: “Cuộc đời tôi đã trải qua biết bao nhiêu cơ cực. Tôi sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác. Nhưng sau một cơn sốt lúc lên 7, tôi bị liệt 1 chân. Từ đó, tôi trở thành một người khuyết tật. Với hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha đi kháng chiến trở về với bệnh tật triền miên, một mình mẹ phải vất vả nuôi 5 anh chị em ăn học. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, ban ngày tôi đặt một tủ bánh mì nhỏ bên lề đường để bán, buổi tối học bài xong, tranh thủ đan và móc áo len.

Cứ thế, cuộc sống bươn chải cũng lặng lẽ trôi qua cho đến ngày cha tôi qua đời”... Chính trong gian khó đã đặt cho tác giả phương châm sống: “Dù có thể thua kém mọi người đôi chân, nhưng không thể vì thế mà thua kém về trí tuệ, khối óc và con tim”.

Năm 2002, tác giả - nhân vật trong câu chuyện của chính mình tham gia vào Chi hội Thanh niên khuyết tật rồi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật thành phố, tham gia nhiều hoạt động và diễn đàn về người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng. Từ đó, với “Niềm đam mê là sức mạnh”, chị thấy cuộc sống ý nghĩa vì góp phần xây dựng một xã hội hòa nhập-không rào cản, khơi dậy niềm tin của những phụ nữ cùng cảnh ngộ. Kết bài, tác giả đã truyền thông điệp lạc quan và niềm đam mê với công việc và cuộc sống: “Qua rồi, những chuỗi ngày gian truân, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Trên vòng quay của chiếc xe lăn này. Không có gì mình không thể làm được”.

Còn với chị Hồ Thị Trang, tác giả bài “Tôi yêu Công tác xã hội”, công việc của chị gắn với những con người, những số phận kém may mắn; trong đó, chị chọn câu chuyện của một cô bé tên Ngọc - có lẽ là câu chuyện mà chị ấn tượng nhất trong suốt thời gian làm công tác xã hội của mình. Bài viết ghi lại câu chuyện chân thật về cuộc đời chìm nổi của Ngọc và những xúc cảm vui, buồn, có khi là “lo lắng tột độ” của chính tác giả - người làm công tác xã hội với cô bé làng biển kém may mắn này. “Những ngày này, đối với tôi thật sự lo lắng tột độ (khi bên Ngọc không còn người thân - PV), em ở vậy có ai lo ăn uống, có làm sao không. Tôi suy nghĩ mọi cách để giúp em. Tôi nhờ đến anh, chị trung tâm công tác xã hội; các anh, chị Làng SOS đến để tham vấn cho em, tìm mọi cách để em được sống an toàn hơn... Và một ngày, tôi nghe người nhà em báo, mẹ em đã về dẫn em đi theo rồi, tôi nghe tin mà không biết nên buồn hay nên vui. Vui chăng, vì em đã được đi với mẹ, được sống bên mẹ dẫu cuộc sống hai mẹ con có khó khăn”, tác giả Hồ Thị Trang viết.

Cũng như tác giả Nguyễn Thị Thu, qua câu chuyện nhân vật, tác giả Hồ Thị Trang khẳng định tình yêu của bản thân với nghề công tác xã hội. Bởi, từ những trải nghiệm của cái nghề đặc biệt này, những người như chị Thu, chị Trang cảm nhận được hạnh phúc, ý nghĩa cuộc đời cả từ nỗi đau, từ những niềm vui chắt chiu...

HUY THỌ

;
;
.
.
.
.
.