Do mặn lấn sâu vào đất liền, nhiều khu vực của các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau... thiếu nước ngọt phục vụ tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt.
Người dân lo ngoài không đủ nước ngọt dự trữ để phục vụ chăn nuôi, sản xuất. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN) |
Tình hình xâm nhập mặn hiện nay đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất lúa, hoa màu của nhiều địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi mặn lấn sâu vào đất liền, nhiều khu vực của các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau,... thiếu nước ngọt phục vụ tưới tiêu, sản xuất và cả sinh hoạt. Do đó, các địa phương đã nỗ lực tìm giải pháp để ứng phó và thích nghi với mặn đỉnh điểm hiện nay.
Mặn giữa lòng thành phố
Một ngày đầu tháng Ba, nhóm phóng viên có mặt tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Chúng tôi được biết nơi đây, xâm nhập mặn đã rơi vào tình trạng báo động... Điển hình, ngay tại lòng thành phố, nguồn nước máy cũng có độ mặn lên 6‰. Các hoạt động tắm rửa, vệ sinh đều hoàn toàn sử dụng nước mặn.
Không riêng tại thành phố Bến Tre, độ mặn của nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt cũng trong tình trạng báo động từ 4‰ đến 11‰. Cụ thể, tại huyện Giồng Trôm, độ mặn đã chạm ngưỡng 11‰, các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành độ mặn đến 5,3%. Ngay cả huyện Chợ Lách, nơi xa nguồn nước mặn nhất của tỉnh, cũng chạm ngưỡng mặn 6,3‰.
Với nguồn nước cấp cho sinh hoạt bị nhiễm mặn như thế, người dân sinh sống nơi đây phải gồng mình chống chọi. Nước mặn đã bủa vây khắp nơi. Nguồn nước ngọt phục vụ cho ăn uống phải mua từ các tỉnh khác như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang.
Anh Trần Văn Thiện, một du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan các di tích lịch sử tại Bến Tre, phải lưu trú tại thành phố Bến Tre, chia sẻ mọi sinh hoạt tắm rửa đều phải sử dụng nước mặn. Dù được vệ sinh sạch sẽ, nhưng người vẫn như chưa được tắm, vì nước mặn quá.
Khi đến xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre vào lúc giữa trưa, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân tranh thủ thời gian để đến các trạm cấp nước xử lý RO (lọc thẩm thấu nược) "xin" nước ngọt.
Theo anh Đặng Quốc Lập, Trưởng Khu vực cấp nước Mỏ cày Bắc, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, Trung tâm phục vụ nước ngọt đã qua lọc RO cho người dân Mỏ Cày Bắc từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày. Dù chi phí lọc RO cao, nhưng Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre chỉ tính chi phí như thời điểm cấp nước thông thường.
Tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Bé Tư, ngụ tại ấp Đông Lợi, xã Thanh An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre lúc ông vừa đến lấy nước ngọt, ông tâm tư, “mọi năm cũng bị nhiễm mặn, nhưng không đến nỗi như năm nay. Năm nay, mặn vừa sớm hơn mùa khô năm 2019 một tháng, lại vừa kéo dài. Cây lúa xem như bỏ đi, đến cả vườn bưởi, sầu riêng còn không chịu nổi."
Ông Tư cho biết thêm nguồn nước ngọt này được người dân sử dụng rất tiết kiệm. Bởi lẽ, ai cũng đều ý thức được nguồn nước ngọt phục vụ cho ăn uống đang khan hiếm, họ tự vận động nhau chỉ lấy nước đủ sử dụng cho 1 ngày, dù chi phí thấp. Chính vì vậy, nhiều người tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa đi chở một lượng nước vừa đủ về cho gia đình. Riêng ông Tư, mỗi lần chỉ lấy 120 lít, để sử dụng trong 4 ngày.
Nỗ lực cứu vườn cây
Đối với những loại cây ăn trái giá trị thấp, khi gặp hạn, xâm nhập mặn với độ mặn hơn 4‰, nông dân không đủ sức đầu tư chi phí để cứu vườn cây. Tuy nhiên, có những vườn cây giá trị cao như bưởi da xanh, sầu riêng, người dân cố gắng cầm cự, đầu tư chi phí để cứu vườn, duy trì thu nhập cho gia đình.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cây sầu riêng cho giá trị rất cao, khi nhà vườn chăm sóc tốt, cho trái ngon, chất lượng cao, có thể bán ra với giá 90.000 đồng/kg. Chính vì điều này, trong thời điểm xâm nhập mặn gay gắt, các chủ vườn đã tính toán phần giá trị kinh tế, sẵn sàng đầu tư nước ngọt để cứu vườn qua thời điểm hạn, mặn này. Bởi lẽ, nếu không bỏ chi phí cứu vườn, mức độ thiệt hại và tái đầu tư lại một vườn sầu riêng rất lớn.
Theo hướng dẫn của ông Thiết, chúng tôi đến vườn sầu riêng hơn 1,5 ha của ông Trần Văn Hùng, ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chứng kiến nỗ lực cứu vườn sầu riêng của ông Hùng.
Tính đến thời điểm này, ông Hùng đã phải mua nước ngọt tưới cho vườn sầu riêng hơn 1 tháng nay. Thế nhưng, lượng nước tưới cho sầu riêng cũng được sử dụng tiết kiệm, tính toán thời điểm tưới hợp lý. Vườn sầu riêng cách các xà lan cung cấp nước từ 200 mét đến 500 mét. Do đó, giá nước cũng có sự chênh lệch, từ 120.000 đồng đến 170.000 đồng/m3.
Ước tính, mỗi tuần ông Hùng chi ra 2 triệu đồng mua nước tưới cho vườn sầu riêng, đồng thời, ông Hùng cũng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, giữ ẩm cho gốc.
"Đó chỉ là tưới để cứu cây khỏi sâu bệnh hại, chứ không thể giữ sức cho cây như mùa mưa. Nếu tưới đủ, thì mỗi tuần phải mất 5 triệu đồng mua nước ngọt, giá chi ra như vậy, chắc gia đình tôi không chịu nổi qua mùa hạn này," ông Hùng trăn trở.
Cùng với những hộ nông dân sẵn sàng đầu tư chi phí mua nước tưới sầu riêng, cũng có những hộ nông dân đắn đo, đặt lên bàn cân kinh tế đối với vườn bưởi da xanh. Bởi bưởi da xanh cũng mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng ngưỡng chịu mặn lại không bằng cây sầu riêng, giá trị mang lại cũng thấp hơn so với cây sầu riêng. Do đó, chỉ có những hộ đủ điều kiện mới đầu tư mua nước tưới.
Theo chị Trần Thị Bảo Trân, ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, nhà chị có hơn 1ha bưởi da xanh. Khoảng 1 tháng trước tết, các kênh trữ nước tưới bưởi trong vườn đều bị nhiễm mặn. Tuy độ mặn thấp, gia đình chị vẫn không bơm nước tưới vườn bưởi. Kéo dài được 1 tháng, nhà chị phải đầu tư mua nước ngọt để tưới bưởi, song song đó, mỗi ngày chị cùng gia đình thu gom lá dừa che chắn gốc bưởi để giữ ẩm.
Người dân tới điểm tập kết lấy nước ngọt về phục vụ sản xuất. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN) |
Theo chị Trân, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời để giữ vườn bưởi qua mùa hạn, mặn. Khi lượng nước ngọt tưới cầm cự, sẽ không đủ để cho cây phát triển tốt, sâu bệnh cũng thừa lúc cây yếu sức tấn công. Trái bưởi trong thời điểm này không ngon như trước. Do đó, giá cũng giảm đi, chỉ còn 20.000 đồng/kg, thay vì được thu mua 50.000 đồng/kg như trước đây.
Tất cả những nỗ lực đầu tư mua nước tưới cũng chỉ là giải pháp tình thế để duy trì vườn cây trong thời điểm hạn mặn này.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, các hộ sản xuất bưởi và sầu riêng cũng chỉ nỗ lực đầu tư cho đến hết tháng 4-2020, nếu mặn kéo dài qua thời điểm này thì nông dân chỉ còn cách bỏ vườn và chờ... trời cứu.
Theo TTXVN/Vietnam+