Chật vật mưu sinh

.

Trong đại dịch Covid-19, người lao động và cả những người sử dụng lao động tự do là những đối tượng gặp nhiều khó khăn, khi phải tự xoay trở vì đột nhiên mất hoàn toàn thu nhập hằng tháng.

Là nhân viên hợp đồng của Công ty TNHH dịch vụ điện D.S, khi công ty cho tạm nghỉ việc vì Covid-19, anh T.T.D (ảnh) làm nghề khác để mưu sinh.  Ảnh: THANH VÂN
Là nhân viên hợp đồng của Công ty TNHH dịch vụ điện D.S, khi công ty cho tạm nghỉ việc vì Covid-19, anh T.T.D (ảnh) làm nghề khác để mưu sinh. Ảnh: THANH VÂN

Đang có công việc ổn định ở bộ phận bếp của một trường mẫu giáo ở quận Cẩm Lệ với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng, Covid-19 xuất hiện, trường học phải đóng cửa, chị D.T.M (trú tổ 25, An Hải Tây, quận Sơn Trà) đột nhiên mất việc. Không giấu nỗi lo, chị M. bộc bạch: “Sau hai tuần nghỉ việc ở nhà, tôi quyết định trở lại công việc cũ là phụ việc cho một tiệm tóc. Vài tuần đầu cũng mừng vì có đồng ra đồng  vào, chờ ngày trường mở cửa trở lại. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây tiệm phải đóng cửa do lệnh cách ly xã hội của Chính phủ, vậy là tôi rơi vào cảnh thất nghiệp”.

Chung hoàn cảnh, anh L.T.B (trú tổ 11, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), nhân viên bảo vệ ở một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng, cũng  như ngồi trên... “lửa” vì không biết làm gì để lo cho gia đình. Hơn 4 tháng trước, anh xin được chân thử việc làm bảo vệ tại đây với tiền công mỗi tháng là 3 triệu đồng, cộng thêm tiền trực ca từ 1-1,5 triệu đồng/tháng cũng tạm đủ lo cho gia đình. Thế nhưng, khi Covid-19 ập đến, khách sạn tạm dừng hoạt động, anh chính là người phải nghỉ việc đầu tiên và cũng không nhận được đồng lương nào vì mới là nhân viên thử việc. “Cả tháng nay tôi chạy đi kiếm việc nhưng không được vì đến đâu họ cũng đóng cửa”, anh B. chia sẻ thêm.

Không riêng chị M., anh B. mà đó là tình cảnh chung của hầu hết người lao động tự do hoặc lao động hợp đồng ngắn hạn, thậm chí chỉ là “hợp đồng miệng” với người sử dụng lao động hiện nay.

Thu nhập được trả theo tháng và theo ngày công lao động, ngoài ra không có thu nhập nào khác cũng như không được mua bảo hiểm y tế (BHYT) hay bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo chính những người lao động tự do này thì họ đang trong tình thế khá “lửng lơ”, vì trước đây, họ chưa bao giờ thuộc diện hộ nghèo để được nhận hỗ trợ, nhưng cũng không phải là người làm công ăn lương ổn định hằng tháng. Điều họ mong đợi lúc này nhất là nhận trợ giúp từ gói hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 mà Chính phủ đã thông qua để sớm ổn định cuộc sống.

Bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng

Có ít vốn, vay thêm 400 triệu đồng, tháng 11-2019, anh T.T.D (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) mở quán nhậu trên tuyến đường 2-9. Tháng đầu tiên thu nhập khá ổn, nên việc trả lãi suất và tiền gốc cho ngân hàng, cùng với hơn 10 nhân viên khá dễ dàng. Nhưng khi xảy ra Covid-19, anh D. phải đóng quán. “Không làm ra tiền nhưng tiền ngân hàng phải nộp đúng ngày tháng. Tôi đã đi hỏi nhưng bên ngân hàng nói do tôi vay gói lãi suất ưu đãi nên không nằm trong diện được hỗ trợ đợt này”, anh D. buồn bã chia sẻ.

Theo thống kê của BHXH thành phố, tính đến cuối tháng 3-2020, toàn thành phố có khoảng 1.100 doanh nghiệp với hơn 70.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Riêng trong tháng 3-2020 vừa qua, đã giảm 16.000 vị trí việc làm so với cùng thời điểm năm 2019. Đây là những con số rất đáng lo ngại nhưng sẽ không dừng lại ở đó, vì trong thời gian đến số người lao động ở các doanh nghiệp bị dừng việc làm sẽ tiếp tục tăng nếu dịch còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo nhiều người thì đây chỉ là bề nổi, vì người lao động ở các doanh nghiệp thì cơ quan chức năng có thể lập danh sách chính xác. Thế nhưng, với những người lao động và cả người sử dụng lao động tự do, rất khó để có con số chính thức về nhóm người này.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh&Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố cho biết, ngay khi Chính phủ có chủ trương về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, sở đã ngay lập tức bắt tay vào việc lên danh sách, phân loại các đối tượng cần sự hỗ trợ. Tính đến nay, sơ bộ phòng đã lập được danh sách với khoảng 19.000 người có công với cách mạng và 12.000 hộ nghèo cần được hỗ trợ.

Tuy nhiên, với người lao động bị mất việc thì các địa phương đang khảo sát, lập danh sách và dự kiến đến ngày 20-4 này mới có danh sách chính thức trình UBND thành phố. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, dù đây là việc cần giải quyết nhanh để sớm có sự hỗ trợ đến người dân gặp khó khăn, nhưng mặt khác cũng cần cân nhắc làm thật kỹ để bảo đảm đúng đối tượng cần hỗ trợ.

THANH VÂN
 

;
;
.
.
.
.
.