Từ năm 2014 đến nay, Quận Đoàn Thanh Khê được giao cảm hóa, giáo dục 35 thanh, thiếu niên sử dụng ma túy. Hiện nay đã có 26 em tiến bộ, từ bỏ được ma túy, có việc làm hoặc trở lại trường học.
Quận Đoàn Thanh Khê trao phương tiện sinh kế cho thanh niên cai nghiện thành công (bìa phải - ảnh chụp năm 2019). Ảnh: THANH VÂN |
Lớn lên trong gia đình kinh tế khó khăn, thiếu thốn tình cảm của cha, mới lớp 7, N.Đ.T (trú tổ 13, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) bỏ học lang thang cùng bạn bè xấu. Hệ quả là sau thời gian ngắn em bị nghiện ma túy. Rời Cơ sở xã hội Bầu Bàng, sau kỳ cai nghiện trở về địa phương, T. được Đoàn phường nhận dìu dắt giúp đỡ. Bây giờ T. có việc làm ổn định đó là giao đồ ăn cho quán chay trên địa bàn. Mới đây em còn “ra riêng” với một tiệm giặt hấp đồ trên tuyến đường Tiểu La. T. thổ lộ: “Nếu em không được các anh chị Đoàn Thanh niên và địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, không biết bây giờ đời em sẽ đi về đâu”.
Báo cáo của quận Đoàn Thanh Khê trong năm 2019 cho biết, riêng kênh của Quận Đoàn đã tiếp nhận và cảm hóa, giúp đỡ 12 thanh, thiếu niên do “nhàn cư vi bất thiện” mà sa vào con đường nghiện ngập. Trong số này trừ một trường hợp sau khi cai nghiện về gia đình đã có việc làm ổn định nhưng đã rời địa phương (không rõ ở đâu). Một trường hợp nữa sau cai có việc làm ổn định nhưng vẫn còn tái phạm như gây rối trật tự xã hội. Còn lại 10 trường hợp đều có việc làm ổn định, kiểm tra đột xuất nhiều lần vẫn không phát hiện có sử dụng ma túy. Anh Võ Duy Rin, Phó Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê nói rằng, phải những ai từng làm công tác cảm hóa người nghiện ma túy, thanh, thiếu niên sau cai thì mới hiểu được con số nói trên có ý nghĩa dường nào. Để giúp một trường hợp sau cai trở về địa phương, quận Thanh Khê áp dụng mô hình “5 kèm 1”.
Tức cứ mỗi một trường hợp về địa phương sẽ có đại diện của đoàn thanh niên, công an, mặt trận, cựu chiến binh và gia đình kèm cặp giúp đỡ trong suốt thời gian dài. Gần như “nhất cử, nhất động” của các em đều được các thành viên nắm rõ để kịp thời can thiệp tránh bạn bè xấu tiếp tục rủ rê. Song song đó, các tổ chức sẽ đứng ra bảo lãnh để xin việc làm, giúp các thanh, thiếu niên sau cai có cuộc sống ổn định, tránh “ngựa quen đường cũ”.
Thời gian qua, Quận Thanh Khê và Đoàn phường nỗ lực tiếp cận, tạo các sân chơi lành mạnh để thu hút thanh, thiếu niên từng nghiện ma túy tham gia, tránh bạn bè xấu rủ rê. Về phía Quận Đoàn, từ đầu năm 2019 đã xây dựng CLB “Thanh niên tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại khu dân cư”. Hằng tháng, CLB sẽ đến từng khu dân cư sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề cũng như tổ chức các trò chơi giao lưu để thanh thiếu niên có thông tin cần thiết, cũng như biết trao đổi với ai mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn bè. Trước đó, Quận Đoàn cũng đã phát động phong trào “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”, với cách sinh hoạt linh động thông qua những buổi gặp nhau tại các quán cà-phê, các tiệm game... cán bộ Đoàn sẽ tiếp cận, làm quen và giúp các em dần dần bỏ những trò chơi vô bổ, nguy hiểm tập trung học tập.
Quận Đoàn Thanh Khê cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, Phòng Nội vụ tổ chức Ngày hội thanh niên tôn giáo với rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao... thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tôn giáo tham gia; phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Kinh tế quận tổ chức Ngày hội sáng tạo, khởi nghiệp để tạo dựng tương lai và tìm kiếm cơ hội việc làm cho tuổi trẻ; phối hợp với Phòng Văn hóa-Thể thao tổ chức Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại... Đây thực sự là những sân chơi rất bổ ích, thu hút thanh, thiếu niên tham gia, tránh xa trò chơi nguy hiểm như tổ chức đua xe, hoặc sử dụng chất cấm. Đặc biệt từ nhiều năm nay, Quận Đoàn Thanh Khê đều tổ chức buổi gặp mặt với những thanh, thiếu niên sử dụng ma túy lần đầu, nhằm tuyên truyền, động viên các em tránh xa việc vi phạm pháp luật nói chung và sử dụng chất cấm nói riêng.
THANH VÂN