Quyết liệt trong phòng, chống bạo lực gia đình

.

Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-10-2009 của Thành ủy về “Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, công tác phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm đúng mức.

Câu lạc bộ Nam giới tiên phong là mô hình được đánh giá cao về phòng, chống bạo lực với phụ nữ. (Ảnh chụp năm 2019)Ảnh: NGỌC HÀ
Câu lạc bộ Nam giới tiên phong là mô hình được đánh giá cao về phòng, chống bạo lực với phụ nữ. (Ảnh chụp năm 2019)Ảnh: NGỌC HÀ

Thời gian qua, việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 25 -CT/TU và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, tạo được những chuyển biến tích cực, số vụ bạo lực gia đình giảm theo từng năm. Nếu như năm 2009, toàn thành phố có 334 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2019, con số này chỉ còn 117 vụ; 100% trường hợp người gây bạo lực gia đình thống kê được đều được can thiệp và xử lý triệt để (1.957/1.957 trường hợp).

Đáng chú ý, các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình được triển khai kịp thời. Theo bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố, 56/56 phường, xã đã thành lập mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của ngành văn hóa và thể thao; ngoài ra một số phường, xã thực hiện theo mô hình do Hội LHPN thành phố hướng dẫn như thành lập được 237 CLB Gia đình phát triển bền vững và các CLB khác có hoạt động về gia đình và PCBLGĐ; 277 nhóm PCBLGĐ, tổ phản ứng nhanh PCBLGĐ; 56/56 phường, xã thành lập đường dây nóng với 168 số điện thoại và 569 địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình; thành lập 1.944 tổ hòa giải với 9.354 hòa giải viên; thụ lý được 4.080 vụ việc về mâu thuẫn trong gia đình, hòa giải thành công 3.428 vụ việc (đạt tỷ lệ 84%).

Bà Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cho biết, sự phát triển sâu rộng các mô hình PCBLGĐ cùng sự phối hợp đồng bộ của chính quyền, đoàn thể đã giúp ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ dẫn đến bạo lực; kịp thời xử lý răn đe. Chẳng hạn, từng vụ việc xảy ra tại khu dân cư được nhân dân phát hiện báo cáo cho cấp ủy chi bộ, tổ dân phố, cảnh sát khu vực kịp thời đến can ngăn lập biên bản vụ việc, tiến đến hòa giải tại tổ hòa giải. Một số tình huống phức tạp thì tổ hòa giải chuyển lên UBND, hội phụ nữ, mặt trận và công an phường hòa giải, kiểm điểm và xử phạt hành chính… “Hiện trên địa bàn phường có 5 địa chỉ tin cậy, 18 tổ hòa giải cơ sở. Các mô hình này hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình trên địa bàn”, bà Trần Thị Bích Liên chia sẻ.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, công tác PCBLGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là việc xử lý các hành vi vi phạm Luật PCBLGĐ đôi lúc, đôi nơi chưa kịp thời, thiếu tính răn đe. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành, mặt trận, đoàn thể tuy có quan tâm đến công tác PCBLGĐ, nhưng việc chỉ đạo, đầu tư chưa nhiều; còn quan niệm coi bạo lực gia đình là “chuyện riêng của mỗi nhà”, là trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ... nên kết quả công tác PCBLGĐ chưa đạt được kỳ vọng. Mặt khác, đa số các vụ bạo lực gia đình xảy ra, nạn nhân thường nhẫn nhịn, sợ mất uy tín, giữ thể diện nên không báo chính quyền địa phương. Chỉ khi bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên, họ mới báo cơ quan chức năng dẫn đến việc răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn. 

Để làm tốt công tác PCBLGĐ, trên cơ sở giới, hướng tới xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, Đà Nẵng kiến nghị, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác gia đình và PCBLGĐ; đặc biệt là về kỹ năng tư vấn, hòa giải và cung cấp thêm tài liệu về giáo dục đời sống gia đình; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai chỉ thị về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em...

 HÀ THU

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.