Tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội

.

ĐNO - Sáng 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến bàn về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội ứng phó với Covid-19. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh NGỌC PHÚ

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách Nhà nước có thể giảm.

Trong quý 1, đáng chú ý là lĩnh vực nông-lâm-thủy sản gần như không tăng trưởng, chỉ tăng 0,08% do tác động kép của dịch bệnh. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm mạnh, chỉ tăng 5,28%, bằng 1/2 mức tăng của quý 1 năm 2018, nhiều ngành công nghiệp động lực (như chế biến, chế tạo) bị tác động do bị gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và nhu cầu thị trường giảm sút.

Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ.

Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dự báo đạt mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. 

Trước những khó khăn, thách thức, Chính phủ ban hành dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như: tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật...

Đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng với nhiều đối tượng được thụ hưởng. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc triển khai có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ hiện nay là giải pháp quan trọng để hỗ trợ, cùng người lao động, nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, lao động sản xuất.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, dù gặp nhiều khó khăn song tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm; an sinh xã hội được duy trì tốt; người dân đồng thuận ủng hộ chủ trương của thành phố.

“Đà Nẵng tiếp tục chủ động dự báo tình hình và đưa ra các kịch bản, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội dự kiến đạt được trong năm; đồng thời, tập trung hoàn thiện danh sách các đối tượng hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ. Ngoài ra, thành phố cũng chủ động hỗ trợ các đối tượng khó khăn, mở rộng hỗ trợ cho một số đối tượng như: hộ chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Thời gian đến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từ trung ương đến địa phương cần chú trọng công tác phòng, chống dịch, tiếp tục giãn cách xã hội một cách nghiêm túc. 

Cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục tập trung hơn nữa sức lực để tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ diễn ra ở một số địa phương và ngành.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần biến nguy cơ thành thời cơ để tái cơ cấu nền kinh tế với giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, từng lĩnh vực; trong đó cần chú ý đẩy mạnh sản xuất, kể cả công nghiêp, dịch vụ và nông nghiệp; đồng thời cần xử lý nghiêm hành động đầu cơ... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng cả nước sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, ổn định xã hội, đẩy lùi dịch bệnh.

NGỌC PHÚ - THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.