Đến thăm gia đình liệt sĩ Huỳnh Phước Khả (tổ 51, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) vào những ngày cuối tháng 3 lịch sử, đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28-3) và 45 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3), tiếp chúng tôi, bà Phùng Thị Nữ, thương binh hạng 1/4, vợ liệt sĩ Huỳnh Phước Khả vẫn còn nguyên ký ức về những năm tháng theo cách mạng, tham gia chiến đấu của hai vợ chồng.
Bà Phùng Thị Nữ (bìa phải) nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ảnh: THANH LÀI |
Liệt sĩ Huỳnh Phước Khả sinh năm 1945. Năm 20 tuổi, ông tham gia cách mạng, là chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng, từng tham gia nhiều trận đánh táo bạo, bất ngờ, làm cho bọn Mỹ, ngụy nhiều phen khiếp sợ. Nổi tiếng nhất là trận đánh mìn xe Jeep diệt tên thiếu tá ngụy vào chiều ngày 14-11-1968 trên đường phố Đà Nẵng. Sau lần đó, ông Khả bị địch bắt giam và tra tấn bằng nhiều hình thức dã man nhưng ông thà chết chứ không khai báo một lời. Ông Khả bị kết án tử hình, sau đó hạ xuống còn 25 năm tù khổ sai và bị đày ra Côn Đảo.
Năm 1973, Hiệp định Giơnevơ được ký kết cũng là lúc ông cùng các tù binh được trao trả. Sau khi trở về, mặc dù được đơn vị cho phép ra miền Bắc để chữa bệnh nhưng ông từ chối và xin ở lại chiến trường Khu 5 để tham gia chiến đấu. Ông đã anh dũng hy sinh trong một trận giằng co ác liệt với địch tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang vào ngày 19-7-1974, nhưng không tìm được thi thể. Chồng hy sinh để lại cho bà Phùng Thị Nữ 2 con trai còn quá nhỏ. Nhờ thông tin của đồng đội còn sống, hài cốt của liệt sĩ Huỳnh Phước Khả hiện nay đã được tìm thấy và đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ phường Hòa Hải.
Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Phùng Thị Nữ là một đảng viên trung kiên, anh dũng. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng cát ven biển, cha tham gia kháng chiến bị giặc Pháp bắt và giết hại khi bà Nữ còn đi chập chững. Năm 16 tuổi, bà Nữ tham gia công tác Đoàn Thanh niên, làm giao liên, rồi vào du kích xã Hòa Hải. Với thành tích chiến đấu gan dạ cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên Mỹ, ngụy, đầu năm 1968, bà Nữ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi lần lượt kinh qua các chức vụ Chính trị viên xã đội, Phó Công an xã, Bí thư Chi bộ Vùng 1 Hòa Hải.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà bị địch bắt nhiều lần, địch đã dùng nhiều hình thức tra tấn, đánh đập dã man, nhưng bà Nữ không hề hé lộ nửa lời. Khi đang mang thai người con trai thứ hai, bà bị địch bắt giam, người con trai thứ nhất cũng còn quá nhỏ lại không có ai chăm sóc đành theo mẹ vào ở trong nhà lao. Bà Nữ ở tù 8 tháng, đến khi được tha tù một tuần thì sinh con. Mới sinh con được 14 ngày, bà bị bắt trở lại trại giam vì trước đó địch nhầm bà với người khác được tha. Thế là cả 3 mẹ con trở lại nhà lao cho đến khi được tha bổng.
Ngay sau ngày quê hương giải phóng, gia đình bà Nữ hăng hái tham gia khai hoang phục hóa, vận động bà con vào Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp để lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong những ngày đầu mới vào HTX, gia đình rất khó khăn, một mình bà Nữ lăn lộn với nắng mưa cày cấy, vừa chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng đã già, vừa nuôi dạy các con. Hiện nay, 2 người con của bà Nữ đều là đảng viên. Anh Huỳnh Phước Hiền, người con trai trước đây còn trong bụng mẹ khi ở nhà lao nay là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Ngũ Hành Sơn.
Năm nay đã 75 tuổi, thân hình nhỏ bé, đôi mắt đã mờ, nhưng lúc nào thương binh Phùng Thị Nữ cũng luôn lạc quan, động viên con cháu phấn đấu công tác tốt, giữ gìn truyền thống gia đình cách mạng kiên trung. Bà Nữ vinh dự được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông Phạm Thanh Minh, Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Hòa Hải, Bí thư Chi bộ 13B Đông Hải - nơi bà Nữ sinh hoạt cho biết, trong chiến tranh, bà Phùng Thị Nữ là người chịu đựng gian khổ hy sinh, bị địch bắt tù đày, tra tấn, lại thêm mất cha, mất chồng nhưng không một lời than vãn.
Sau ngày giải phóng, trong điều kiện khó khăn, bà Nữ một mình nuôi 2 con nhỏ trưởng thành và phụng dưỡng cha mẹ chồng đến cuối đời. Bà Phùng Thị Nữ xứng đáng là tấm gương cho cán bộ, đảng viên về sự mẫu mực, không ngừng phấn đấu.
THANH LÀI