Người hiệu trưởng tận tâm

.

Xây dựng trường học khang trang, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn là tâm huyết của cô Ngô Thị Lệ (SN 1969, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, phường Bình Thuận, quận Hải Châu) trong suốt 5 năm qua.

Cô Ngô Thị Lệ (thứ 3, từ phải) tặng bánh chưng cho lực lượng phòng, chống Covid-19. Ảnh: N.P
Cô Ngô Thị Lệ (thứ 3, từ phải) tặng bánh chưng cho lực lượng phòng, chống Covid-19. Ảnh: N.P

Tháng 8-2015, từ Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn, cô Ngô Thị Lệ thi tuyển chức danh hiệu trưởng và đỗ thủ khoa, được phân công về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn. Từ ngày đầu nhận nhiệm vụ, nhìn ngôi trường quá xập xệ, cô Lệ đã hạ quyết tâm thực hiện song song nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy - học và đầu tư cơ sở vật chất ngôi trường còn nhiều khó khăn này. “Trong một lần lãnh đạo thành phố về tiếp xúc cử tri tại địa phương, sau khi phát biểu ý kiến, tôi mời đoàn lãnh đạo về thăm trường.

Chứng kiến cảnh ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp, lãnh đạo thành phố quyết chủ trương đầu tư một dãy nhà 3 tầng khang trang sát đường Lê Quý Đôn. Cô trò vô cùng vui mừng, phấn khởi”, cô Lệ nhớ lại. Đến cuối năm 2018, cô Lệ lại tiếp tục chạy đôn, chạy đáo để xin chủ trương đầu tư xây dựng dãy nhà đối diện và đã được thành phố đầu tư kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Sau hơn 7 tháng xây dựng, cơ sở đã hoàn thiện với 4 tầng khang trang, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.

Trong quản lý chuyên môn, giáo dục mũi nhọn luôn được cô Lệ đặc biệt quan tâm bên cạnh chất lượng đại trà. Thành công bước đầu trong đầu tư mũi nhọn của Trường tiểu học Lê Quý Đôn là Cuộc thi Robothon quốc tế. Cô Lệ chia sẻ: “Năm 2015 trở về trước, khái niệm cũng như cuộc thi Robothon hoàn toàn xa lạ với học sinh cũng như giáo viên nhà trường.

Tôi đi tìm hiểu tại các trường có thế mạnh về môn này để về giải thích lại cho giáo viên và học sinh, vì phải hiểu mới yêu thích và có mục tiêu phấn đấu. Nhà trường khảo sát, lựa chọn được 8 em học sinh giỏi Toán để bồi dưỡng tham gia cuộc thi này, đồng thời mời “chuyên gia” Robothon về dạy cho học sinh. Kết quả mỹ mãn sau thời gian đào tạo, 3 đội tuyển của trường đoạt 2 giải vô địch quốc tế, 1 giải nhì được tổ chức tại Philippines năm 2016”, cô Lệ thông tin. Từ đó đến nay, với cuộc thi Robothon các cấp, học sinh nhà trường luôn đoạt giải cao.

Tương tự, trước năm 2015, với cuộc thi Tin học trẻ trong học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn hầu như không có giải cấp quận, chưa dám mơ đến cấp thành phố. Không nản lòng, cô Lệ đầu tư tuyển chọn đội tuyển Tin học, mời giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đến truyền dạy, đồng thời bằng nhiều cách khuyến khích tinh thần ham học hỏi Tin học của giáo viên và học sinh nhà trường. Nhờ đầu tư đúng hướng, năm đầu tiên khi Hiệu trưởng Ngô Thị Lê về, đội tuyển Tin học của Trường tiểu học Lê Quý Đôn đã đoạt nhiều giải cao, trong đó có học sinh đoạt giải cấp quốc gia. “Từ khi học sinh của trường đoạt các giải cao từ Robothon, Tin học trẻ, tên tuổi của trường bắt đầu “hiển thị” trên “bản đồ” giáo dục của quận cũng như thành phố. Phụ huynh dần quan tâm hơn đến việc học của con em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”, cô Lệ tâm sự.

Ngoài thành công với Robothon, Tin học, các đội tuyển Toán, Tiếng Việt của Trường tiểu học Lê Quý Đôn thời gian qua cũng đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi, giao lưu các cấp. Chất lượng đại trà không ngừng được nâng cao. Để có được những kết quả trên, ngoài việc đầu tư, cô Ngô Thị Lệ luôn yêu cầu toàn thể giáo viên phải tự nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giáo dục, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đặc biệt, trong phương pháp dạy học, cô Lệ luôn yêu cầu giáo viên không để học sinh thụ động mà phải có sự tương tác hai chiều; giáo viên cần phân hóa học sinh để có phương pháp dạy học, bồi dưỡng hợp lý.

Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, cô Lệ được tập thể tin yêu bởi tấm lòng, nhiệt tâm sẻ chia với những khó khăn của học trò, với những hoàn cảnh cần được hỗ trợ ngoài xã hội. Hằng năm, cô Lệ thường tự bỏ tiền túi, cùng với sự hỗ trợ từ bạn bè, vận động từ các đối tác cung cấp dịch vụ cho trường để hỗ trợ hàng trăm suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Gia đình tôi khó khăn, trong những năm học tại trường đã được cô hiệu trưởng cũng như nhà trường hỗ trợ nhiều về vật chất như trao quà, tặng bảo hiểm, sách vở. Tôi thấy cô như một người mẹ của các cháu. Giờ đây, con tôi đã ra trường nhưng những ân tình của cô Lệ dành cho con gia đình tôi luôn trân quý”, chị Nguyễn Thị Hằng (trú phường Hòa Cường Bắc) chia sẻ.

Thời gian gần đây, khi Covid-19 hoành hành, thấu hiểu lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát phòng, chống dịch tại các chốt ngày đêm vất vả, cô Lệ lại tiếp tục bỏ tiền túi, đồng thời kêu gọi giáo viên hỗ trợ để mua nếp, nhân gói bánh chưng, quyên góp các vật dụng y tế hỗ trợ các chốt. Cô tâm sự: “Các anh, các chị hằng ngày rất vất vả để kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc, chỉ mong muốn góp một chút gì đó để hỗ trợ cho tuyến đầu”, cô Lệ chia sẻ.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.