Hơn 300 vết nứt trong hầm đường bộ Hải Vân 1

.

ĐNO - Hầm đường bộ Hải Vân 1 có 321 vết nứt trong. Đây là con số được nhà đầu tư công trình này ghi nhận sau quá trình khảo sát. Tình trạng trên được nhiều tài xế phản ánh suốt thời gian qua nhưng chưa được xử lý triệt để.

a
Các vết nứt chi chít ở bề mặt bên trong hầm đường bộ Hải Vân 1. Ảnh: T.K

Theo ghi nhận của PV vào ngày 6-6 tại hầm đường bộ Hải Vân 1, bề mặt bên trong của hai bên thành hầm xuất hiện nhiều vết nứt chằng chịt. Tại các vết nứt này, lớp sơn phủ bề mặt đã bị bong tróc. Bụi, khói từ các phương tiện bám vào bề mặt khiến các vết nứt trở nên nham nhở.

Tài xế Lê Đình Ty, lái xe tải chạy tuyến từ tỉnh Quảng Ngãi đi cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) phản ánh: "Mỗi lần đi qua hầm, nhìn bề mặt hầm nứt nẻ, loang lổ, cánh tài xế chúng tôi rất lo lắng. Không ai biết được nguy cơ nào có thể xảy đến khi hầm có những vết nứt như thế này".

Trả lời về vấn đề này, đại diện Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (DII) cho biết, vào ngày 3-2-2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng hầm đường bộ Hải Vân theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: sửa chữa, cải tạo QL1 qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm đường bộ Hải Vân 1, trong đó có hạng mục sửa chữa vết nứt hầm này; giai đoạn 2: thi công mở rộng hầm Hải Vân.

Trong quá trình triển khai giai đoạn 1 (bắt đầu từ tháng 4-2016), nhà đầu tư đã thuê Công ty Tư vấn Alpin Technick của CHLB Đức đánh giá tổng thể về hiện trạng hầm đường bộ Hải Vân. Qua khảo sát, phát hiện 321 vết nứt. Đơn vị tư vấn đánh giá: Vỏ hầm đường bộ Hải Vân 1 đang trong tình trạng tốt, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện vận hành hầm; hầu hết các vết nứt đều nằm trong giới hạn an toàn. Trong thời gian qua, hầm Hải Vân 1 không xuất hiện các vết nứt mới.

Bên cạnh các vết nứt nói trên, đại diện DII cho hay có 8 vết nứt có chiều rộng lớn trên nóc hầm cần sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn kết cấu, trong đó có 3 vết nứt được xử lý bằng phương pháp đối phó mảng vữa rơi bằng lưới FRP; 1 vết nứt được xử lý bằng phương pháp gia cố bề mặt bê-tông bên trong vỏ hầm bằng dải thép tấm; 4 vết nứt được xử lý bằng phương pháp trám vá vết nứt bằng bơm keo.

. Ảnh: XUÂN SƠN
Các chuyên gia theo dõi vị trí các vết nứt tại hầm đường bộ Hải Vân 1. Ảnh: T.K

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng nguyên nhân xuất hiện các vết nứt tại hầm đường bộ Hải Vân 1 là do quá trình nổ mìn thi công hầm đường bộ Hải Vân 2.

Phản hồi thông tin này, đại diện DII cho biết, công tác nổ mìn trong thi công hầm đường bộ Hải Vân 2 đã kết thúc từ tháng 9-2019, và có kết quả quan trắc: Các vết nứt cũ không phát triển và không phát sinh vết nứt mới.

Hiện nay, một số vết nứt tập trung ở cửa hầm phía nam do lớp sơn Epoxy vỏ hầm đã bị lão hóa nên bị tách tại vị trí vết nứt. Dưới tác động của khói xe và công tác vệ sinh vỏ hầm bằng xịt rửa áp lực cao kết hợp lau chùi nên phần sơn Epoxy ở các vết nứt bị bong tróc, khói bụi, muội từ trên xuống tạo thành những vết đen gây mất mỹ quan công trình.

Theo đại diện DII, các vết nứt không ảnh hưởng gì đến kết cấu vỏ hầm, không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của công trình và không nguy hiểm. Về bản chất, lớp áo bê-tông này không phải là kết cấu chịu lực của hầm, mà chỉ có nhiệm vụ giữ lớp phòng nước, tạo mỹ quan và chịu áp lực nước ngầm (nếu có).

Kết cấu chịu lực chính của hầm là các neo bê-tông cốt thép, bê-tông phun, vòm thép tùy thuộc vào điều kiện địa chất cụ thể trên từng đoạn hầm. Sau khi kết cấu chịu lực này đã tắt biến dạng mới thi công tầng phòng nước và đổ lớp áo bê-tông.

Hiện nay, chủ đầu tư đang nỗ lực thi công các hạng mục cuối để hoàn thành hầm đường bộ Hải Vân 2, dự kiến là trong tháng 9-2020. Sau khi hoàn thành, thông xe hầm đường bộ Hải Vân 2, nhà đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, phân luồng giao thông để thi công hoàn thiện hầm đường bộ Hải Vân 1.

TRƯỜNG KỲ

;
;
.
.
.
.
.
.