Để đưa hình ảnh của những người lính đến với nhân dân thông qua các trang báo, chuyên mục truyền hình, những phóng viên không chuyên của chuyên mục Quốc phòng toàn dân (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) đã không quản lội suối, băng rừng, gian khổ, nắng mưa...
Các phóng viên chuyên mục Quốc phòng toàn dân phỏng vấn chiến sĩ nghĩa vụ quân sự. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi ghé đến văn phòng chuyên mục Quốc phòng toàn dân nằm trên đường Lê Duẩn, ghi nhận sự hăng say làm việc của các phóng viên. Không thẻ nhà báo, lực lượng mỏng nhưng khối lượng công việc mà các anh chị phải xử lý rất nhiều. Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị đề ra, những phóng viên không chuyên phải kiêm nhiều nhiệm vụ: viết, quay, hiện dẫn, biên tập, dựng hình và cả phát thanh viên.
Người gắn bó lâu năm nhất là phóng viên - Trung tá Hồng Hạnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tổng hợp Huế (Đại học Huế), chị vào quân đội và được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phân về làm chuyên mục Quốc phòng toàn dân. Hơn 25 năm qua, bản thân chị viết hàng trăm bài viết về người lính Cụ Hồ, những chuyến dân vận của lực lượng vũ trang thành phố về với dân ở các vùng sâu, vùng xa địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, chị cũng băng mình qua không biết bao nhiêu cơn bão lũ để đến và phản ánh cuộc sống khốn khó của người dân...
Những ngày tháng 6, ký ức ùa về với phóng viên Hồng Hạnh qua những chuyến đi. Chị kể, có lần lên huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) viết bài, lúc trở về trên chuyến xe đò chật ních người, chị bị chèn ép đến ngạt thở giữa một đống bao sắn, bắp của bà con dân tộc chở xuống đồng bằng để bán, trên đầu thì bị những bao măng tươi nhỏ nước xuống ướt sũng. Đã vậy, lúc xe đang bon bon xuống dốc thì một bánh xe văng ra ngoài lăn lông lốc trong sự nín thở của hành khách trên xe. Hay một lần ra viết bài ở đảo Cù lao Chàm (Hội An), khi trở về, biển đột ngột nổi sóng. Giữa ban ngày mà mênh mông một màn sương mù dày đặc, tàu bị lạc lênh đênh trôi mãi giữa biển, không tìm thấy đường về. Thêm vào đó là nguy cơ hết dầu chạy máy. “Biển động xô sóng ầm ào, chúng tôi nằm dưới khoang say đứ đừ không còn biết trời trăng mây gió gì nữa. May mắn, cuối cùng tàu cũng về cập bến sau hơn nửa ngày trời lênh đênh trên biển. Chuyến đi nhớ đời ấy đã không hề làm nhụt chí chúng tôi trong những chuyến ra đảo sau này...”, Trung tá Hồng Hạnh nhớ lại.
Hơn 10 năm công tác ở chuyên mục Quốc phòng toàn dân, phóng viên - Đại úy Ly Na cũng đã thể hiện được bản lĩnh của một phóng viên người lính. Tốt nghiệp ngành Phát thanh - Truyền hình 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), được giảng dạy bài bản, Ly Na trở thành phóng viên nữ vừa quay, vừa viết, vừa hiện dẫn và kiêm phát thanh viên. Ly Na kể: “Hơn 10 năm về làm ở chuyên mục, tôi đã được đi rất nhiều nơi từ rừng núi cho đến biển, đảo. Mỗi một nơi đi qua, tôi tranh thủ tìm tòi những cái mới để đưa lên truyền hình, để chuyên mục không khô khan”.
Năm 2018, Đại úy Ly Na được đến với Trường Sa theo đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng. Thường thì phóng viên truyền hình phải đi 2 người để linh hoạt trong tác nghiệp, song do yêu cầu của đoàn nên Đại úy Ly Na phải kiêm cả hai. “Rất cảm xúc khi đến với Trường Sa, vì vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ làm tin lãnh đạo thăm, trao quà cho các đơn vị trên đảo, bản thân em tranh thủ từng giây, từng phút để đến với người dân, đến với những chiến sĩ đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc”, Đại úy Ly Na chia sẻ.
Với Trung tá Phan Hoàng Tuấn - Trưởng bộ phận chuyên mục Quốc phòng toàn dân, kiêm Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Thiếu tá Phan Thanh Việt (phóng viên chuyên mục) tuy mới có thâm niên chưa đầy 4 năm nhưng có nhiều bài viết để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả. Trung tá Phan Hoàng Tuấn cho biết, với tần suất mỗi tuần phát 1 số trên truyền hình (thời lượng 10 phút/số), mỗi tháng 1 trang trên Báo Đà Nẵng nên khá áp lực. Để có nội dung phong phú, sôi động, bạn đọc không nhàm chán, đòi hỏi từng phóng viên phải nỗ lực bám sát các địa bàn, tìm tòi những điều mới mẻ.
Cơn bão số 12 tháng 11-2017 đổ bộ vào miền Trung, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề. Lực lượng vũ trang được huy động tổng lực tham gia chống bão cũng như khắc phục bão lũ, đặc biệt là thời khắc trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Trung tá Phan Hoàng Tuấn cùng chiếc máy quay đội mưa, đội gió “xung phong” cùng lực lượng vũ trang để tham gia. “Những hình ảnh bộ đội, người dân cùng chung tay khắc phục nhanh bão lũ, tạo dựng lại những hàng rào bị gió xé toang, cây xanh ngã đổ được chằng chống lại, môi trường nhanh chóng được dọn sạch chỉ trong một thời gian ngắn. Những hình ảnh ấy được chúng tôi ghi lại, phát sóng, lan tỏa trên cả nước. Giờ nhìn lại những hình ảnh ấy, chúng tôi xúc động lắm. Tinh thần con người Đà Nẵng thật tuyệt...”, Trung tá Phan Hoàng Tuấn chia sẻ.
Lặng lẽ và ít được biết đến như những phóng viên chuyên nghiệp của các cơ quan báo chí, nhưng các anh, chị đã nỗ lực, cố gắng làm cho những trang viết, những thước phim của mình ngày càng phong phú, chất lượng, góp phần gắn kết tình quân với dân...
NGỌC PHÚ