Phóng viên chuyên viết về xây dựng Đảng

.

10 năm về làm việc tại Báo Đà Nẵng, tôi hầu như chỉ “cắm chốt” ở phòng Bạn đọc. Hơn 1 năm nay, tôi được luân chuyển về phòng Thời sự - Chính trị, trở thành phóng viên viết xây dựng Đảng. Dù kỹ năng nghề nghiệp suốt chục năm qua giúp tôi tự tin làm việc trong môi trường tác nghiệp mới nhưng các thuật ngữ nghề nghiệp, ngôn ngữ, văn phong trình bày, cả những kiến thức về xây dựng Đảng, với tôi gần như mới bắt đầu vào nghề.

Các phóng viên tác nghiệp tại sự kiện Kỳ họp thứ 14 (bất thường), HĐND thành phố vào ngày 22-5-2020. Ảnh:  TRỌNG HUY
Các phóng viên tác nghiệp tại sự kiện Kỳ họp thứ 14 (bất thường), HĐND thành phố vào ngày 22-5-2020. Ảnh: TRỌNG HUY

1. Gần chục năm cắm chốt phòng Bạn đọc, tôi tưởng đã ngấm hết các ngón đòn, “tay nghề” mà nghề viết mang lại. Khiếu kiện, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh từ người dân đến cơ quan chức năng gửi tới. Đơn tố cáo, tố giác có tên và cả nặc danh. Người đi tố cáo, đi khiếu kiện cả biết chữ, giỏi giang lẫn không biết chữ, thật thà như đếm đều có. Sau khi báo đăng, có người đến cảm ơn.

Lạ thay, hầu hết người nhớ ơn, đa phần nghèo khó. Tôi nhớ mãi một người đàn ông khắc khổ ở đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), vác đơn đi kiện, đòi lại cái đường luồng bị hàng xóm lấn chiếm. Kiện mãi mà chính quyền không giải quyết, ông bắt xe ôm đưa đơn đến Báo Đà Nẵng (khi đó còn ở 42 Trần Phú). Tôi được giao đi xác minh, thẩm tra và viết bài phản ánh. Báo đăng, ông được trả lại đường luồng, được đền bù mấy triệu đồng. Ông lại bắt xe ôm chạy xuống cơ quan, gặp Trưởng phòng và tôi, rối rít cảm ơn.

Làm phóng viên Bạn đọc, được khen cũng có, mà chê cũng không ít. Nhắn tin cảm ơn, cả nhắn tin đe dọa “làm thịt”, rồi “mày thích chơi kiểu gì, tao cũng chơi. Tao biết mày là ai, ở đâu rồi”, đủ cả. Niềm kiêu hãnh, tự hào với tôi khi làm phóng viên ở phòng Bạn đọc là hết lòng cung phụng bạn đọc, chưa bao giờ bị sa ngã, bị “lôi kéo”, dù thực tế, phóng viên Bạn đọc nhiều lúc dễ trở thành “người đi đòi nợ” giùm (không phải thuê).

2. Khi chuyển qua phòng Thời sự - Chính trị, tôi bắt đầu làm quen với mảng xây dựng Đảng, với công tác các hội, đoàn thể, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của thành phố, các địa phương… Dĩ nhiên, cách ăn mặc cũng phải thay đổi chút ít, không thể xuề xòa, không thể đơn giản như đi điều tra đơn, thư bạn đọc nữa.

Văn phong, các thể hiện câu chữ cũng trở nên khuôn phép hơn, yêu cầu cao hơn. Thời gian đầu, tôi khó hòa nhập tốt với môi trường mới, cách viết mới dù cũng chỉ xoay quanh cái bảng 29 chữ cái. Làm báo, để có ý tưởng, có đề tài đã khó, đến khi có tư liệu mà ngồi cả buổi không sắp cho ra bài viết trên dưới 1.000 chữ, thì cũng là chuyện thường tình.

Hơn 1 năm làm quen với mảng đề tài về xây dựng Đảng, tôi phải học mới nhiều thứ. Từ chức danh lãnh đạo, ai đứng trước, ai đứng sau; bắt đầu làm quen với Đảng ủy, Đảng bộ, với chi bộ, chi ủy… những chuyện tưởng “thường ngày ở huyện”, nhưng cũng phải viết, sắp xếp sao cho chuẩn chỉnh.

Nhiệm vụ tuyên truyền công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng buộc phóng viên viết xây dựng Đảng luôn phải suy nghĩ, tìm ý tưởng, đề tài để bắt kịp với không khí sinh hoạt chính trị cao điểm của các địa phương, thành phố. Tôi bắt đầu làm quen với đại hội đại biểu, đại hội toàn đảng viên là gì, Đại hội 4 nội dung như thế nào, 3 nội dung ra sao, điểm mới của đại hội các cấp lần này so các lần trước là như thế nào…

Một áp lực của phóng viên xây dựng Đảng là không chỉ hoàn thành bài kế hoạch, mà bất kể lúc nào cũng sẵn sàng chạy làm tin, có những thời điểm ngày làm 2-3 tin. Thời điểm Covid-19 diễn ra, các sự kiện hội họp dừng lại, theo đó phóng viên phòng Thời sự-Chính trị… hết thời sự. Có chuyện vui kể rằng, khi tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, trong khi phóng viên các phòng khác, đặc biệt là phòng Văn hóa - Xã hội phụ trách mảng y tế không hết việc để làm thì phóng viên Phòng Thời sự-Chính trị không có mấy việc để làm.

Nhiều người bảo, Thời sự gì mà nguội ngắt (bài kế hoạch), có dịch Covid-19 mới lòi ra phóng viên phụ thuộc giấy mời, thiếu chủ động. Với tôi, qua hơn 1 năm làm phóng viên thời sự thì hiểu rằng, “Thời sự Chính trị” tức là làm tin thời sự của các sự kiện chính trị là chủ yếu. Khi các sự kiện chính trị (hội họp) dừng hoặc ít diễn ra, dĩ nhiên phóng viên Thời sự cũng hạn chế tin, bài; tuy nhiên, đã là phóng viên thì không thể đứng ngoài cuộc trước guồng quay của cuộc sống, bất kể là phòng nào.

3. Nhiều người bảo, viết xây dựng Đảng là mảng khó, khô và khổ. Tôi cũng thấy thế. Từ khâu xác định nội dung, phát hiện đề tài, khai thác tư liệu, cho đến việc thể hiện tác phẩm đều có những yêu cầu rất cao về kiến thức, vốn sống, nghiệp vụ và sự tâm huyết.

Viết về xây dựng Đảng đòi hỏi phóng viên trước hết phải có bản lĩnh, nhiệt huyết và nghiệp vụ tốt, có kiến thức hiểu biết sâu sắc về Đảng. Đặc biệt, đối với những phóng viên chưa phải là đảng viên, việc viết về xây dựng Đảng càng khó khăn hơn.

Do đó, với tôi, dù đã hơn 1 năm làm quen với mảng xây dựng Đảng, song vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. Những khái niệm, những thuật ngữ, thậm chí nhiều cụm từ bấy lâu nay nghe “quen tai”, nhưng khi phân tích để viết bài buộc phải tra cứu, tìm hiểu rõ ngọn ngành mới có thể triển khai viết và diễn giải cho bài báo của mình.

Người viết báo phải luôn học hỏi, luôn đặt trong tư thế “lần đầu” khi tiếp cận và xử lý đề tài, triển khai thành bài viết. Viết xây dựng Đảng lại càng phải yêu cầu cao hơn, để không chỉ “xây là chính” mà còn phải “đúng, trúng, hay” nữa thì càng khó. Bởi thế, tôi luôn tâm niệm phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng viết xây dựng Đảng; giữ gìn đạo đức nghề nghiệp; trui rèn tay nghề qua cọ xát với thực tế công việc hằng ngày.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.