Việt Nam kêu gọi thế giới chia sẻ gánh nặng về vấn đề người tị nạn

.

Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của việc giải quyết vấn đề tị nạn, kêu gọi các giải pháp lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước liên quan.

Một trại tị nạn ở Syria. (Ảnh: AP)
Một trại tị nạn ở Syria. (Ảnh: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 18-6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp trực tuyến để nghe báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn Filippo Grandi.

Tại phiên họp này, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chú trọng các giải pháp lấy con người làm trung tâm, cùng chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm để bảo đảm thành công tiến trình hồi hương và tái hòa nhập cho người tị nạn.

Phát biểu tại phiên họp, Cao ủy Grandi cho biết năm 2019, thế giới có 79,5 triệu người tị nạn và người bị buộc phải rời khỏi cư trú, mức cao nhất trong suốt thập kỷ qua và mức tăng liên tục kể từ năm 2012 đến nay.

Ông Grandi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là chiến tranh, xung đột, bạo lực, bất bình đẳng, tác động của biến đổi khí hậu.

Cao ủy Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về những thách thức mà người tị nạn đang phải đối mặt như điều kiện sống khó khăn, phân biệt đối xử, kỳ thị, hạn chế tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, vệ sinh, chưa kể tới tình hình các thách thức này đặc biệt gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Trong bối cảnh đó, áp lực và khó khăn đặt ra cho các nước tiếp nhận người tị nạn cũng tăng lên nhiều lần. Ông Grandi kêu gọi các nước cùng đoàn kết và chung tay hành động để tìm kiếm và triển khai các giải pháp bền vững cho vấn đề tị nạn.

Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình, đề cao quyết tâm chính trị và cam kết triển khai hiệu quả Thỏa thuận Toàn cầu về Tị nạn.

Thảo luận tại cuộc họp, các nước thành viên Hội đồng bảo an bày tỏ cảm thông với những khó khăn đang đặt ra cho người tị nạn và nước tiếp nhận, trong đó nhiều nước đặc biệt nhấn mạnh tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19 đối với người tị nạn.

Các nước đều chia sẻ sự cần thiết thúc đẩy cơ chế chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm để hỗ trợ người tị nạn và nước tiếp nhận, kêu gọi thúc đẩy hợp tác quốc tế ở cả cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu và giải pháp toàn diện cho vấn đề này.

Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh cách tiếp cận tổng thể và toàn diện trong vấn đề tị nạn, trong đó ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột, thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố môi trường hòa bình, an ninh là giải pháp bền vững.

Để làm được như vậy, Đại sứ kêu gọi các bên tham gia xung đột cùng nỗ lực để đạt được các lệnh ngừng bắn lâu dài và tạo môi trường thuận lợi hướng tới giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Trước các thách thức đặt ra cho người tị nạn và nước tiếp nhận, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của việc giải quyết vấn đề tị nạn, kêu gọi các giải pháp lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước liên quan để bảo đảm thành công của tiến trình hồi hương và tái hòa nhập cho người tị nạn.

Đại sứ hoan nghênh Thỏa thuận Toàn cầu về Tị nạn và Diễn đàn Toàn cầu về Tị nạn với hơn 800 cam kết được đưa ra, đồng thời khẳng định cam kết và nỗ lực của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế hỗ trợ giải quyết tình trạng người tị nạn trên thế giới và triển khai Thỏa thuận Toàn cầu về Tị nạn.

Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý. (Ảnh: TTXVN)
Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý. (Ảnh: TTXVN)

 Theo Vietnamplus.vn

;
;
.
.
.
.
.