Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15-7)

Người cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao kiệt xuất

.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15-7-1910, trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh sớm giác ngộ cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Năm 1927, đồng chí tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân và phong kiến, đòi tự do chính trị ở thành phố Vinh. Năm 1928, đồng chí gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này và hoạt động ở thành phố Sài Gòn. Tháng 11-1928, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 18 tháng tù, sau đó bị trục xuất về quê. Đầu năm 1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tiếp tục hoạt động cách mạng, lúc này cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Đảng phân công làm Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ, kiêm chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Trung bộ. Trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, đồng chí được phân công làm Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ… Thời gian công tác tại Nam Trung Bộ, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Khu ủy Liên khu V, đồng chí đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng bộ Liên khu V; trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Liên khu V phát triển mạnh mẽ.

Năm 1951, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, năm 1955, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được bầu vào Ban Bí thư. Năm 1956, đồng chí được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa I (4-1958), đồng chí Nguyễn Duy Trinh được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa I (12-1958), đồng chí Nguyễn Duy Trinh được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Tại Đại hội Đảng lần thứ III (9-1960), đồng chí được bầu lại vào Bộ Chính trị và được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; sau đó lại kiêm Chủ tịch Ủy ban Khoa học Nhà nước (1963 - 1964). Tháng 4-1965, trước yêu cầu mới của cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây là thời kỳ thử thách gay go nhất kể từ khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc; là thời kỳ chúng ta thực hiện đường lối đấu tranh cách mạng miền Nam trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao để đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong tháng 1-1967, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đề ra chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao vận dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh” để cùng các mặt trận quân sự và chính trị tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi. Người dân cả nước đã nức lòng khi người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ra Tuyên bố ngày 28-1-1967, nêu rõ: Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện.

Sau gần 5 năm đấu tranh bằng trí tuệ và bản lĩnh với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc. Ngày 27-1-1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của đàm phán Paris và Hiệp định Paris đã buộc quân Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ xây dựng lại đất nước sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá, ngành ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và cộng đồng thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Ngày 21-7-1977, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia lễ thượng cờ tại trụ sở Liên Hợp Quốc và cũng chính đồng chí đã kiến tạo các chuyến thăm của lãnh đạo nước ta với các nước trong khu vực dẫn tới việc Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh mất ngày 10-4-1985 tại Hà Nội. Bảy mươi lăm tuổi đời, gần sáu mươi năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng chứng tỏ được vai trò, phẩm chất và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng chí là một nhà cách mạng, một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.

           S.TRUNG
Tổng hợp theo Đề cương tuyên truyền
       của Ban Tuyên giáo Trung ương

;
;
.
.
.
.
.