KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỮU THỌ (10-7-1910 – 10-7-2020)

Từ nhà trí thức yêu nước trở thành nhà cách mạng kiên cường

.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hung Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến thăm một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Bắc (năm 1970). 						   (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến thăm một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Bắc (năm 1970). (Ảnh tư liệu)

Năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang du học tại Pháp rồi được nhận vào học tại khoa Luật của trường và tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc vào tháng 9-1932. Năm 1933, Nguyễn Hữu Thọ trở về nước, làm việc tại văn phòng của một luật sư người Pháp, rồi mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1941-1945, Nguyễn Hữu Thọ tham gia hoạt động yêu nước của Tổ chức Thanh niên Tiền phong.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông là một trong các tri thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm ông làm Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long. Tuy làm việc cho chính quyền thực dân nhưng ông vẫn giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức.

Năm 1947, Nguyễn Hữu Thọ xin từ chức Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long, mở văn phòng luật sư riêng tại Sài Gòn và được tổ chức phân công hoạt động trong Ban Trí vận thuộc Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn do luật sư Hoàng Quốc Tân trực tiếp phụ trách.

Ngày 16-10-1949, Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt tháng 6-1950, bị giam ở Lai Châu và Sơn Tây tháng 11-1952. Sau khi được trả tự do, ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình.

Năm 1954, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và giam tại Phú Yên. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20-12-1960, đồng chí đang bị quản thúc tại Phú Yên. Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11-1961, đồng chí về đến bắc Tây Ninh.

Tháng 2-1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức và đồng chí được bầu làm Chủ tịch. Tháng 3-1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Đến tháng 6-1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6-1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4-1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7-1981).

Những cống hiến to lớn cho cách mạng

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thực sự mở ra cho Nguyễn Hữu Thọ con đường đi theo để đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm 1949-1950, cuộc đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp của nhân dân các vùng bị tạm chiếm, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn lên cao. Nguyễn Hữu Thọ hòa nhập vào cuộc đấu tranh này không chỉ là một thành viên tích cực mà còn với tư cách một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, có trách nhiệm lãnh đạo phong trào.

Chỉ mấy tháng sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Hữu Thọ đã phát huy vai trò của một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn. Nhằm cô lập ông với phong trào cách mạng, thực dân Pháp và ngụy quyền Sài Gòn đã đày ải Nguyễn Hữu Thọ ra vùng Tây Bắc, nhưng khi trở về Sài Gòn ông lại tiếp tục đấu tranh công khai, tham gia phong trào hòa bình.

Sau chiến thắng 30-4-1975, với cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Tổ quốc về những công việc cần thực hiện để tiến tới thống nhất đất nước.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng chí được cử phụ trách và đã có nhiều đóng góp vào công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước.

Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi và đã có những ý kiến rất thiết thực trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980.

Ngày 5-4-1980, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội cử làm Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp mới. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã ký lệnh công bố bản Hiến pháp năm 1980.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1981-1987) đồng thời trên cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1989-1994), cho tới những năm cuối đời, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã hoạt động không mệt mỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó và có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cho đến những năm cuối đời, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn suy nghĩ về việc thực hiện dân chủ, xây dựng luật pháp và vẫn đặt kỳ vọng Quốc hội nước nhà sẽ thực sự giữ vai trò cơ quan quyền lực tối cao. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với lĩnh vực xây dựng Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và mang tính thời sự trong bối cảnh tình hình hiện nay.

S.TRUNG tổng hợp từ Đề cương
tuyên truyền kỷ niệm 110 năm
Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ
của Ban Tuyên giáo Trung ương

;
;
.
.
.
.
.