Vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ để góp phần đưa phong trào cách mạng đi đến thắng lợi ở thời chiến, bám sát cơ sở để huy động sức mạnh đồng thuận của nhân dân ở thời bình, trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, ngành Tuyên giáo Đà Nẵng luôn hòa mình trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ thành phố. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố đều xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương để định ra các hình thức tổ chức, cách thức hoạt động phù hợp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển của thành phố ven sông Hàn.
Bám sát nhiệm vụ chính trị trong kháng chiến
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác tư tưởng, sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng luôn khẳng định công tác tư tưởng là một bộ phận hợp thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhằm truyền bá một cách có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với những mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng.
Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của công tác tư tưởng, chỉ vài tháng sau khi thành lập, năm 1928, những chiến sĩ cách mạng trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Đà Nẵng đã tổ chức in lại tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để làm tài liệu học tập và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước của thành phố. Cũng ngay từ buổi đầu mới thành lập, Thị ủy Tourane đã phân công một đồng chí Thị ủy viên phụ trách công tác tuyên truyền và xuất bản tờ báo Còi nhà máy để làm cơ quan ngôn luận và tuyên truyền cách mạng của Đảng bộ thành phố.
Trong buổi đầu gieo những hạt giống đỏ đó, mỗi chiến sĩ cộng sản hoạt động tại Đà Nẵng là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, vừa làm nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa vận động và tập hợp quần chúng tiến bộ tham gia các phong trào cách mạng. Nhờ có được một đội ngũ cán bộ vừa nắm vững lý luận cách mạng vừa có năng lực tập hợp quần chúng, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo toàn diện và xuất sắc các cao trào cách mạng, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động, tập hợp nhân dân, tổ chức khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn thành phố, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngay sau ngày giành độc lập, Đảng bộ thành phố đã thành lập các cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền. Ở thành Đà Nẵng có cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Đó là Ty Thông tin - Tuyên truyền thành Thái Phiên, một tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam -Đà Nẵng sau này. Trong cuộc kháng chiến dài hơn 3.000 ngày không nghỉ, công tác tuyên huấn của Đảng bộ thành phố đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của ngành; tuyên truyền, vận động nhân dân vừa tăng gia sản xuất, vừa kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới.
Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, điên cuồng khủng bố, đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng. Cán bộ, đảng viên của Đảng được nhân dân cưu mang, đã kiên trì “giữ lửa” để nhen nhóm, gầy dựng lại tổ chức và phong trào. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hệ thống tuyên huấn được tổ chức từ khu, tỉnh, xuống các quận, huyện. Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà bao gồm nhiều bộ phận, mỗi bộ phận là một cơ quan: Tuyên huấn, Trường Đảng, Văn nghệ, Điện ảnh, Báo chí, Nhà in... Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên huấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào mỗi chiến công trong công cuộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ngành Tuyên giáo của Đảng bộ thành phố đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí và có những đóng góp quan trọng cùng Đảng bộ thành phố làm nên những chiến công vẻ vang. Vượt lên nhiều gian nan, thử thách, từ tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, “Ngày đồng tâm” và tiếp theo là thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, tổ chức “Tản cư”, “Hồi cư”, đóng góp “Quỹ nuôi quân”…, ngành Tuyên giáo của Đảng bộ thành phố đã góp phần không nhỏ trong việc động viên các lực lượng cách mạng và nhân dân thành phố tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, “tự lực cánh sinh” chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở ngay trong lòng địch, hang ổ của kẻ thù. Đó là những năm tháng không thể nào quên, là nền tảng để những người làm công tác tuyên giáo thành phố tự hào tiếp bước, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân
Từ sau ngày Quảng Nam - Đà Nẵng được giải phóng, công tác tư tưởng hướng vào nội dung biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định mục tiêu quan trọng đó, ngành Tuyên giáo thành phố đã chuyển từ phục vụ chiến đấu chống kẻ thù của dân tộc sang chiến đấu chống nghèo đói, phục vụ cho công cuộc “xây dựng lại thành phố và làng mạc” như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Ngành Tuyên giáo thành phố đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong ảnh: Đô thị Đà Nẵng ngày càng hiện đại, văn minh. Ảnh: T.T |
Những năm đầu sau giải phóng, công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền, triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố đến cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo sự nhất trí, đồng thuận trong nhân dân, vừa tập trung sức, vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa thực hiện quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, đưa thành phố Đà Nẵng tiếp cận với thời kỳ đổi mới.
Tháng 1-1997, sau khi “chia tay” với người “anh em ruột thịt” Quảng Nam, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố bước vào giai đoạn lịch sử mới, đáp ứng những nhiệm vụ mới. Một trong những nhiệm vụ đó là, phải làm sao cho một thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng chuyển mình vươn lên mạnh mẽ với xuất phát điểm ban đầu là một đô thị cấp 3, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, xóm nhà chồ chật chội bên bờ sông Hàn, cuộc sống người dân bấp bênh theo những chiếc đò ngang...
Đây là thời điểm Đà Nẵng được xem là đại công trường với hàng trăm dự án giải tỏa, sắp xếp lại dân cư đồng loạt triển khai trên một địa bàn rộng khắp. Sau 23 năm thực hiện chỉnh trang đô thị, thành phố đã triển khai 536 dự án, gần 120 nghìn hộ giải tỏa, đã giải quyết bố trí tái định cư hơn 30 nghìn lô đất và chung cư, tổng giá trị đền bù được phê duyệt là 13.740 tỷ đồng. Để đạt được những kết quả quan trọng đó chính là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính quyền với nhiều cách làm hay, mạnh dạn đột phá tạo cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng được tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Kết quả đó còn có dấu ấn sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ ngành Tuyên giáo thành phố đã không quản ngại khó khăn, gian khổ xuống tận cơ sở tuyên truyền, vận động thuyết phục, để người dân nhận thức rõ vai trò của mình, góp phần tạo được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Nhiều người từng ví von Đà Nẵng hai mươi năm sau chia tách tỉnh đã “thay da, đổi thịt” đến ngỡ ngàng, bởi chưa bao giờ trong quá trình phát triển, Đà Nẵng quyết liệt “tự làm mới mình” như thế. Sự phát triển Đà Nẵng vừa là nhu cầu tự thân, vừa là để đáp ứng yêu cầu của một thành phố đầu tàu có sứ mệnh liên đới trách nhiệm đối với miền Trung - Tây nguyên, nhất là từ năm 2003 đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã tạo ra được nhiều thành quả quan trọng, nhiều kỳ tích đáng tự hào.
Không chỉ hàng trăm ngàn hộ dân đồng thuận để di dời, giải tỏa, “sắp xếp lại giang sơn” mà trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị hơn hai mươi năm qua, Đà Nẵng đã xây dựng nhiều cây cầu hiện đại đã đi vào thơ ca, nhạc họa, ký ức khó phai của người dân thành phố, những con đường mới, khang trang cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình trọng điểm, là điểm nhấn của thành phố lần lượt mọc lên hai bên bờ sông Hàn; hạ tầng viễn thông, cảng biển, sân bay đều có những bước phát triển mạnh…
Tuy nhiên, kéo theo sự phát triển là những vấn đề người dân bức xúc, những “điểm nóng” nảy sinh như: giải phóng mặt bằng ở Khu đô thị Hòa Xuân, ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự xây dựng đô thị, ùn tắc giao thông… Để người dân Đà Nẵng chấp nhận những chủ trương phát triển của thành phố, ngành Tuyên giáo đã kịp thời nắm bắt tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân cũng như các vấn đề đột xuất, phát sinh trên địa bàn. Công tác tuyên giáo đã tạo được tiếng nói sự đồng thuận giữa chính quyền và Nhân dân, góp phần đưa Đà Nẵng thoát khỏi “chiếc áo” đô thị cũ chật chội, dường như quá nhỏ bé so với sức lớn từng ngày của thành phố trẻ, nỗ lực cải thiện hình ảnh và vị thế của mình để đáp ứng yêu cầu chung của khu vực.
Những con đường được mở rộng, những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hàn, những công trình mang tầm vóc… phải chăng không chỉ được xây dựng bằng vật liệu như sắt thép mà còn được xây dựng bởi sức mạnh đồng thuận, niềm tin của dân với Đảng, “Đảng nói, dân tin; chính quyền làm, dân ủng hộ, Mặt trận- đoàn thể vận động, dân theo”. Cái được lớn nhất là được lòng dân.
Trong những năm qua, hệ thống Tuyên giáo thành phố đã xây dựng và tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội từ thành phố xuống cơ sở, từ đó tổng hợp và xử lý thông tin, báo cáo tham mưu hỗ trợ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đặc biệt là giúp giải quyết kịp thời nhu cầu hoặc những vấn đề nhân dân kiến nghị. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hệ thống Tuyên giáo thành phố đã làm tốt công tác tham mưu nhằm đẩy mạnh và đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) trở thành công việc thường xuyên, nền nếp. Ngành Tuyên giáo thành phố đã thực hiện tốt công tác tham mưu trên nhiều lĩnh vực, như: tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, lịch sử Đảng và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, của ngành… góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trải qua lịch sử 90 năm xây dựng và trưởng thành, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố đã có những tên gọi khác nhau và qua nhiều lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Thế nhưng, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác tuyên giáo cũng luôn được Đảng bộ thành phố coi trọng. 90 năm qua, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo gồm nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trải qua các thời kỳ cách mạng luôn luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân; kiên định, dũng cảm, sáng tạo và tận tâm với công việc khó khăn, phức tạp, đa dạng và đặc thù.
Sự hy sinh, gian khổ và đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu sống còn với các kẻ thù của dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã tô thắm truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng, trưởng thành của ngành Tuyên giáo Đảng bộ thành phố Đà Nẵng.
Một số hoạt động kỷ niệm + Tổ chức các hoạt động về nguồn, tri ân: thăm, viếng hương Khu di tích lịch sử của Ban Tuyên huấn Quảng Đà ở Hòn Tàu và Đặc khu ủy Quảng Đà (khu Trà Lý, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); viếng hương các liệt sĩ nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Đà tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. + Tái bản, bổ sung và phát hành tập sách “Lịch sử ngành tuyên giáo thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1930 - 2020”. + Tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các thế hệ cán bộ tuyên giáo thành phố qua các thời kỳ. + Phát động cán bộ ngành tuyên giáo thành phố tích cực tham gia cuộc thi “Tìm hiểu về 90 năm truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng” trên mạng xã hội VCNET do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. + Tổ chức công tác tuyên truyền trên các báo, đài địa phương; thông qua hội nghị báo cáo viên và giao ban báo chí hằng tháng của ban. + - Phối hợp Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng mở chuyên trang đặc biệt kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. + Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng xây dựng và phát sóng phim tài liệu “Ngành Tuyên giáo thành phố Đà Nẵng: 90 năm xây dựng và trưởng thành”. + Phát hành số đặc biệt Bản Thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy chào mừng 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY |
TRẦN ĐÌNH HỒNG
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy