Đà Nẵng trong cuộc chiến chống Covid-19 - Bài 1: Sinh tử ở "thời gian vàng"

.

Hơn một tháng chống Covid-19 bùng phát trở lại cũng là chừng đó thời gian ngọn lửa nội lực, tình người, sự đồng lòng, quyết tâm bền bỉ và niềm tin đẩy lùi bệnh dịch một lần nữa được thắp lên ở thành phố bên sông Hàn. Đà Nẵng chống dịch hay cả nước hướng về Đà Nẵng, không đơn thuần là câu chuyện giành giật tử-sinh, đó còn là bài học về đoàn kết, xây thành lũy từ lòng dân, tận tụy từ chính quyền, kết nối cảm xúc và hành động từ mỗi con tim nước Việt.

Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 2, trái sang) kiểm tra quy trình tách chiết, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng sáng 10-8. 							         Ảnh: PHAN CHUNG
Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 2, trái sang) kiểm tra quy trình tách chiết, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng sáng 10-8. Ảnh: PHAN CHUNG

Cuộc chiến phòng, chống Covid-19 không khác một cuộc đua. Ở đó, công tác điều trị được ví là chặng cuối và công tác dự phòng, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm là chặng đầu của cuộc đua cam go, khốc liệt này. Thách thức lớn nhất của ngành y tế chính là thời gian. Bởi việc chậm trễ, dù tính theo phút cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều F0 xuất hiện.

36 giờ đi tìm hơn 1.000 người

Trưa 25-7, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 416 được ghi nhận ở Đà Nẵng. Điều đặc biệt, đây là ca nhiễm được ghi nhận trong cộng đồng, sau thời gian 99 ngày ở Việt Nam không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Câu hỏi đặt ra đối với Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cũng như đối với Đà Nẵng chính là truy tìm F0 của bệnh nhân 416.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, chiều 23-7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và dương tính với chủng virus này. “Sau khi có kết quả lần 1, trong tối 23-7, CDC Đà Nẵng đã gửi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm khẳng định. Mặc dù chưa có kết quả nhưng ngay trong đêm đó, các nhân viên CDC và các địa phương đã được huy động để điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc trực tiếp và liên quan đến bệnh nhân”, bác sĩ Thạnh thông tin. Theo đó, nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Đà Nẵng) đã phối hợp Khoa Kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm Y tế các quận Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu tập trung thu thập thông tin về lịch trình tiếp xúc, đi lại của bệnh nhân.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, bệnh nhân 416 đến chăm mẹ ruột bị đau nằm nhà (phường Hòa Quý), sau đó được chuyển đến Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. Trong khi đó, tại quận Hải Châu, bệnh nhân đi dự đám cưới tại Trung tâm Tiệc cưới và Hội nghị For You Palace (phường Hòa Cường Bắc) với hàng trăm khách tham dự. Do thời điểm nghi nhiễm Covid-19, bệnh nhân 416 rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy, không thể hỗ trợ cung cấp thông tin nên việc điều tra dịch tễ gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi phải trích xuất camera nhà hàng, tua đi tua lại nhiều lần, những đoạn nào bệnh nhân tiếp xúc, chúng tôi chụp lại, rồi phải gửi về cho người nhà của bệnh nhân lúc này cũng đang đi cách ly, nhờ xác nhận người tiếp xúc. Có trường hợp phải hỏi tới hỏi lui rất nhiều người mới xác minh được. Có thể nói, đây là phần việc quan trọng, bởi chỉ cần sai một ly là đi một dặm, hoặc chỉ cần bỏ sót một yếu tố nguy cơ là nguy hiểm cho cả cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC Đà Nẵng cho biết.

Trong vòng 36 giờ đồng hồ, từ khi triển khai việc điều tra, truy vết, đến sáng 25-7, CDC Đà Nẵng đã xác định có 1.079 trường hợp tiếp xúc trực tiếp (F1) và gián tiếp (F2) với bệnh nhân 416, trong đó có 288 trường hợp F1, 791 trường hợp F2. Các trường hợp F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm và giao các Trung tâm Y tế quận, huyện sẵn sàng tiếp nhận việc cách ly, Trạm Y tế xã, phường chủ động phương án theo dõi sức khỏe tại nhà đối với các trường hợp F2. Thời điểm này (sáng 25-7), Bộ Y tế vẫn chưa công bố ca bệnh 416 nhiễm Covid-19 do đang tiếp tục thực hiện xét nghiệm chuyên sâu lần thứ 5 với SARS-CoV-2.

Thêm nhân lực, thay đổi quy trình

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trưa 25-7, ngay sau khi ca nhiễm Covid-19 thứ 416 được công bố, Thường trực Thành ủy đã có công văn hỏa tốc gửi Ban cán sự Đảng UBND thành phố khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các phương án, biện pháp kiểm soát, phòng, chống Covid-19; trong đó, nhấn mạnh việc “khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân Covid-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, giám sát và theo dõi chặt chẽ theo quy định, không để bỏ sót trường hợp có nguy cơ cao…”.

Thành phố Đà Nẵng dồn toàn lực để đối phó với Covid-19.  TRONG ẢNH: Nhân viên y tế quận Hải Châu điều tra dịch tễ, lịch trình tiếp xúc đi lại của bệnh nhân 418 tại quận Hải Châu sáng 26-7. Ảnh: PHAN CHUNG
Thành phố Đà Nẵng dồn toàn lực để đối phó với Covid-19. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế quận Hải Châu điều tra dịch tễ, lịch trình tiếp xúc đi lại của bệnh nhân 418 tại quận Hải Châu sáng 26-7. Ảnh: PHAN CHUNG

Ngay sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cũng hỗ trợ Đà Nẵng tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế thành phố, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết để tìm kiếm những người có nguy cơ lây nhiễm. Theo ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, mục đích của hoạt động truy vết trong phòng, chống dịch chính là tìm kiếm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, càng sớm càng tốt để cách ly kịp thời, triệt để, ngăn chặn dịch lây lan.

“Việc truy vết dựa trên các nguyên tắc, đó là chạy đua với thời gian, càng sớm càng tốt; các sự kiện, địa điểm hay còn gọi là mốc dịch tễ và từng người tiếp xúc gần cần được truy vết trong khoảng thời gian từ thời điểm 3 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế”, ông Dương cho biết. Hoạt động này được xem là “nút thắt” phải chạy đua càng sớm càng tốt để khoanh vùng, cách ly kịp thời.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, việc truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân là điều cần thiết và đòi hỏi phải nhanh chóng, hiệu quả. “Tuy nhiên, thực tế việc truy vết gặp nhiều khó khăn vì tính chất đặc thù của nhiệm vụ, có những lúc giống như “mò kim đáy bể”. Ngoài ra, nhiều trường hợp không hợp tác, thông tin cung cấp sai lệch, có trường hợp là bệnh nhân khi nhiễm bệnh có nền bệnh nặng, tâm lý lo lắng, thời gian khai thác thông tin gấp nên có xảy ra tình trạng thiếu thông tin dịch tễ khiến nhân viên điều tra, xác minh thông tin rất mất thời gian”, bác sĩ Yến cho biết.

Xuất phát từ thực tế đó, ngày 4-8, Sở Y tế có Công văn số 2862/SYT-NVY về việc thực hiện các biện pháp cách ly, can thiệp y tế phòng, chống Covid-19 và thực hiện tờ khai y tế đối với tất cả những người được cách ly y tế. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 6-8, Sở Y tế bắt đầu thực hiện quy trình “ngược” trong điều tra dịch tễ, yêu cầu các trường hợp đang cách ly y tế phải thực hiện khai báo y tế, lộ trình di chuyển và quá trình tiếp xúc trong vòng 14 ngày. Trong vòng 48 giờ kể từ khi các trường hợp thực hiện cách ly y tế, cán bộ phụ trách cơ sở cách ly phải tiếp nhận tờ khai y tế từ người khai báo và quản lý tờ khai y tế. Trong trường hợp người cách ly y tế dương tính với SARS-CoV-2, cán bộ phụ trách cơ sở cách ly phối hợp cung cấp tờ khai y tế của người được cách ly cho ngành y tế để rút ngắn thời gian triển khai các biện pháp cần thiết.

Tính đến ngày 22-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra dịch tễ, qua đó, xác định được hơn 11.200 trường hợp F1, gần 14.000 trường hợp F2. CDC Đà Nẵng và các đơn vị đã lấy mẫu xét nghiệm cho gần 180.000 người, phát hiện 374 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

"Phương châm của chúng ta trong chiến lược phòng, chống Covid-19 chính là xét nghiệm-truy vết-cách ly-điều trị-dập dịch. Tất cả phải được triển khai một cách nhanh đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt, việc xét nghiệm, truy vết phải làm thật thần tốc, nhanh chóng, chính xác. Chậm phút nào nguy hiểm phút đó”.

Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ

PHAN CHUNG

 

;
;
.
.
.
.
.