'Nóng' ngày 20-8: Việt Nam vượt mốc 1.000 ca nhiễm Covid-19; Bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội

.

Trong ngày 20-8, Việt Nam ghi nhận thêm 14 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 1.007 ca. Đồng thời, dự luận cũng quan tâm đến việc Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân số 994 âm tính với vi rút SARS-CoV-2; Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc công ty thoát nước Hà Nội; Nguy cơ lũ lên cao trên sông Thao…

Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân số 994 âm tính với  SARS-CoV-2

Xét nghiệm sàng lọc ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN
Xét nghiệm sàng lọc ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Sau kết quả nhiều lần xét nghiệm liên tiếp âm tính, bệnh nhân 994 được khẳng định âm tính với SARS-CoV-2. Do đó, trường hợp này được rút ra khỏi danh sách những người bị nhiễm bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân 994 (BN994) là nam, 87 tuổi, cư trú tại xã Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ. Trong vòng 1 tháng gần đây bệnh nhân không đi đâu xa khỏi nơi cư trú, gia đình cũng không có người đi đến các khu vực có ổ dịch COVID-19 đang lưu hành.

Ngày 11-8-2020, bệnh nhân xuất hiện sốt (nhiệt độ từ 38-39 độ C) kèm đau bụng âm ỉ liên tục vùng hạ sườn phải, không ho, không khó thở.

Ngày 12-8-2020, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện E rồi về nhà người thân tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, sau đó bệnh nhân nhập viện khoa Gan mật, Bệnh viện E.

Ngày 13-8-2020, kết quả chụp CT ghi nhận bệnh nhân bị viêm phổi, điều trị ở khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện E.

Ngày 18-8-2020, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-COV-2 vào ngày 19-8-2020. Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 theo quy định.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 20-8, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Đây là trường hợp khó, do bệnh nhân không có tiền sử dịch tễ đi từ vùng dịch về, không liên quan đến các ổ dịch, cũng như không tiếp xúc với những người mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh COVID-19, do vậy các cơ quan chức năng đã khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch ngay trong đêm 19-8, rạng sáng 20-8. Đồng thời, trường hợp này cũng cần được kiểm chứng lại bằng nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau.

Đặc biệt ngay khi tiếp nhận bệnh nhân chuyển sang từ Bệnh viện E vào tối 19-8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Tới sáng ngày 20-8, Bệnh viện tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm lại lần 2 để xét nghiệm khẳng định, đồng thời chuyển mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bằng các kỹ thuật khác. Tất cả các lần xét nghiệm này của 2 đơn vị đều cho kết quả BN994 âm tính với SARS-COV-2

Với kết quả xét nghiệm khẳng định của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế rút trường hợp BN994 ra khỏi danh sách những người bị nhiễm SARS-COV-2. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, đây là một trong những trường hợp đáng lưu ý đối với các bệnh viện khi bệnh nhân đến khám có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát như một ca nghi nhiễm COVID-19. Hệ thống y tế đã phản ứng rất nhanh chóng với trường hợp này. Với tinh thần công khai minh bạch và chủ động ứng phó với dịch COVID-19, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo để các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai các hoạt động khoanh vùng, cách ly, phòng chống dịch COVID-19.

Việt Nam kêu gọi các bên đóng góp trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việc các bên đưa các loại vũ khí cũng như máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Chiều 20-8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc điều oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hồi đầu tháng 8-2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định nhưng cũng nhắc lại, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc các bên đưa các loại vũ khí cũng như máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên có đóng góp, có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông”.

Bình luận về thông tin hàng nghìn tàu cá Trung Quốc có thể tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc hết hạn, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhắc lại: Quan điểm của Việt Nam về cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá đã được nêu rất rõ.

Trước đó, ngày 8-5-2020, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1-5 - 16-8-2020 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".

Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội

Vệc khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội liên quan đến vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14-CSKT-P12 ngày 27-4-2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Ngày 20-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

TP. Hồ Chí Minh phát hiện 116 trường hợp nhập cảnh trái phép trong một tháng

Ngày 20-8, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, Công an thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác rà soát, nắm hộ, nắm người.

Qua đó, từ ngày 15-7 - 14-8, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời phát hiện, xử lý 116 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trong đó có 1 trường hợp thuộc diện truy tìm của Công an thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, qua kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng đã lập biên bản 4.411 nhân khẩu vi phạm không đăng ký tạm trú, lưu trú. Hiện Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép ở các quận: 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân.

Cũng trong thời gian triển khai đợt cao điểm nói trên, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khám phá 245 vụ phạm pháp hình sự, bắt 358 đối tượng; triệt phá 67 băng nhóm, bắt 224 đối tượng; đồng thời đơn vị chức năng đã bắt, vận động đầu thú 17 đối tượng có quyết định truy nã.

Các vụ điển hình như: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, Công an Quận 1 và Công an quận Bình Tân đã khám phá vụ án mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 550 gram ma túy tổng hợp, 100 viên thuốc lắc, 1 khẩu súng.

Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện một vụ tổ chức đánh bạc, tạm giữ 18 đối tượng, thu giữ hơn 93 triệu đồng. Công an Quận 11 kiểm tra, phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát sáng Đại Tín vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, niêm phong tạm giữ gần 50.000 thiết bị điện các loại với tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng.

Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố nhiều đối tượng sản xuất khẩu trang và găng tay y tế giả nhãn hiệu, kém chất lượng; thu giữ hàng triệu tang vật...

Đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm của Công an Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong hai tháng, bắt đầu từ ngày 15-7.

Nguy cơ lũ lên cao trên sông Thao

Trong những ngày qua, các tỉnh phía Bắc có mưa to gây lũ ở sông Thao và ngập lụt ở tỉnh Yên Bái. Dự báo trong những ngày tới, mưa lớn sẽ tiếp tục dẫn đến nguy cơ gây ra lũ cao trên sông Thao.

Ngày 20-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội về việc ứng phó mưa lũ phía Bắc.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp phân tích trên kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 5.000m, trong ngày 20 - 22-8 ở khu vực Đông Bắc tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa đến 100 - 120mm. Đồng thời, ngày 20-8, Trung Quốc đã có thông báo xả lũ hồ chứa Mã Đồ Sơn trên lưu vực sông Hồng.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là lũ cao trên sông Thao, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các địa phương tập trung heo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Hiện nay, trên tuyến đê sông Thao, tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện một số sự cố do mưa, lũ. Vì thế, các địa phương cũng cần tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định; kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra.

Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở. Sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo Báo Tin tức

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích