Trên địa bàn quận Hải Châu có 2 địa chỉ ghi dấu một thời hoạt động, đấu tranh cách mạng của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng thời kỳ trước năm 1930. Đó là Trường Cự Tùng (số 52 Trần Bình Trọng hiện nay) và nhà bà Phán Thạnh - khu vực xóm Giếng Bộng (số 107-109 Trưng Nữ Vương hiện nay). Hai địa chỉ trên đến nay trở thành di tích lịch sử-văn hóa được đăng ký bảo vệ.
Bia di tích nhà bà Phán Thạnh tại số nhà 107 Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên (quận Hải Châu). Ảnh: TRỌNG HUY |
Theo các tài liệu lịch sử (sách “Địa chí Quảng Nam- Đà Nẵng”, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 2010; sách “Lịch sử công tác Tuyên giáo Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1930-2020)”, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2020; sách “Buổi đầu gieo hạt” (tái bản), Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2020; sách “Lịch sử Đảng bộ quận Hải Châu (1930-2015)”, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2020; sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Bình Hiên (1930-1975)”, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2003), tháng 4-1927, Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của tỉnh Quảng Nam được thành lập, lấy Trường Cự Tùng làm nơi sinh hoạt, liên lạc. Đến tháng 9-1927, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đà Nẵng được thành lập, do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Năm 1928, cuốn “Đường kách mệnh” của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên tại Quảng Nam - Đà Nẵng được đồng chí Đỗ Quang chỉ đạo bí mật in tại nhà bà Phán Thạnh để phát hành đến trong tỉnh và nhiều nơi khác.
Trong suốt thời gian dài, xóm Giếng Bộng và Trường Cự Tùng trở thành nơi gặp gỡ, bàn kế hoạt động cách mạng của các đồng chí trong Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
Bia di tích Trường Cự Tùng tại số nhà 52 Trần Bình Trọng ngày nay. Ảnh: TRỌNG HUY |
Những năm 1925-1930, ông Cự Tùng - Nguyễn Văn Tùng là một trong hai người Việt được chọn làm ủy viên Hội đồng thành phố Đà Nẵng. Ông Tùng đứng ra lập trường tư thục, thường được gọi là Trường Cự Tùng. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Bình Hiên (1930-1975) có ghi “Phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu đã khuấy lên tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Tại Đà Nẵng, trong lễ truy điệu Phan Chu Trinh do ông Nguyễn Văn Tùng (Hội đồng Tùng) tổ chức ngày 4-4-1926 đã quy tụ được 300 người tham gia”.
Năm 1927, sau tin học sinh ở Huế tổng bãi khóa, đồng chí Đỗ Quang về gặp anh em ở Nhà hội Quảng Nam (thành lập năm 1917-1918 do học sinh gốc Quảng Nam - Đà Nẵng ra Huế học lập ra làm nơi ăn ở, sinh hoạt, được cụ Phan Bội Châu bồi dưỡng về lòng yêu nước) để vận động thành lập Ban vận động tổ chức Hội ở Quảng Nam. Hầu hết những người tham gia Ban vận động đều dạy học tại Trường Cự Tùng, lấy đó làm chỗ đứng chân hợp pháp để hoạt động.
Trong hồi ký của ông Đỗ Quỳ (là em trai ông Đỗ Quang, được kết nạp Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng năm 1927) ghi: “Năm 1927, ở Đà Nẵng có tổ chức Hội đồng thành phố. Những người trong hội đồng được đứng ra mở trường cho giáo viên dạy. Bây giờ gọi là trường tư thục. Anh Quang về Đà Nẵng gặp ngay anh Lê Văn Hiến. Hai người vốn quen thân nhau từ trước.
Anh Quang ngỏ ý muốn vào dạy trường của ông Hội đồng Tùng. Anh Hiến đưa anh Quang đến giới thiệu với ông Tùng, hồi đó hay gọi là ông Cự Tùng. Ông Tùng tin anh Hiến nên nhận ngay anh Quang và cho phụ trách luôn cơ sở trường. Tôi và Lê Quang Sung theo chân anh Quang vào dạy ở đây. Giáo viên được thu tiền học sinh và tự chi, ông Cự Tùng không biết đến. Trường tranh, làm thành dãy dài và chia ra từng lớp. Trường có khoảng trên dưới trăm học sinh”.
Sau thời gian vận động, từ Đà Nẵng đến Quảng Nam đã thành lập được 3 tổ chức Đảng. Đầu năm 1928, Tỉnh Đảng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập tại nhà bà Phán Thạnh, do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Tại địa điểm này, tháng 5-1928, đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thừa Thiên, Quảng Trị đến dự họp, có Ủy viên Kỳ bộ - Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Lợi, Phan Trọng Bình. Cuốn sách “Đường kách mệnh” do đồng chí Đỗ Quang mang về được in tại địa điểm này.
Theo hồi ký của ông Đỗ Quỳ, sau khi chọn địa điểm nhà bà Phán Thạnh làm cơ sở in ấn cho Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, ông Quỳ và ông Lê Quang Sung được ông Đỗ Quang giao nhiệm vụ tổ chức in cuốn “Đường kách mệnh” của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. “Giấy in bấy giờ là loại giấy bổi của Tây, chúng tôi rọc đôi ra in rất gọn và cuộn lại chuyển đi cũng dễ. Máy móc không có, ronéo cũng không, chúng tôi in bằng đông sương (dùng bút mực viết chữ ngược lên đông sương rồi dập giấy lên in thành văn bản) vừa rẻ tiền vừa nhanh chóng phi tang khi mật thám ập đến”, trích hồi ký (tr. 253). Cuốn “Đường kách mệnh” của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm tài liệu cho công cuộc gieo mầm cách mạng ở xứ Quảng diễn ra như thế…
Dấu vết Trường Cự Tùng bây giờ tại 52 Trần Bình Trọng là ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương, nằm im lìm sau dãy phố sầm uất. Tại địa chỉ 107 Trưng Nữ Vương, từ sau năm 1975, chủ nhà di cư sang nước ngoài, Nông trường chè Quyết Thắng đã tiếp quản để làm nơi ở cho công nhân. Giếng Bộng, nay được tường vây vào chung trong khuôn viên Trường mầm non Ánh Hồng.
Được biết, hiện số nhà 107 Trưng Nữ Vương do bà Nguyễn Thị Sáu, nguyên là công nhân Nông trường chè Quyết Thắng thuê làm nơi bán chè, trà; nhà kế bên (105 Trưng Nữ Vương) do bà Lê Thị Hường thuê, đều từ sau năm 1975 liên tục đến nay. Ông Đặng Xuân Trúc (Sương), Tổ trưởng tổ 37 phường Bình Hiên (quận Hải Châu) bày tỏ mong muốn thành phố tiếp quản lại di tích này làm nơi tham quan, học tập và giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
MINH SƠN