Khẩn trương khắc phục thiệt hại của mưa, lũ

.

ĐNO - Tính đến sáng 15-10, 19 nạn nhân của thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đã được các lực lượng cứu hộ đưa về các bệnh viện ở thành phố Huế. Hiện tại, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các công nhân bi mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và 13 cán bộ chiến sĩ mất tích vẫn đang tiếp tục khẩn trương thực hiện.

Theo đó, 19 nạn nhân mắc kẹt tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được các lực lượng cứu nạn cứu hộ trong chiều 14-10. Lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy 1 thi thể nam được nhận định là công nhân của nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. 

Đến 16 giờ chiều 14-10, các lực lượng cứu hộ cũng đã khôi phục kết nối liên lạc với 14 công nhân của thủy điện A lin B2 sau khi bị cô lập và mất liên lạc trong 3 ngày. Hiện tại, những nạn nhân này vẫn an toàn và có đủ lương thực, thực phẩn dự trữ vẫn trong vài ngày tới. 

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện 13 người trong đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 bị núi sập đè trúng vào rạng sáng 13-10 tại Trạm kiểm lâm số 67, thuộc Tiểu khu 67 vẫn chưa liên lạc được.

Trong sáng nay 15-10, các lực lượng chức năng của Sở chỉ huy tiền phương sẽ tiếp tục tiếp cận nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 để tiếp tục sơ tán những người còn bị mắc kẹt tại đây. Đến thời điểm hiện tại, hơn 700 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4 và các đơn vị tăng cường của Bộ Quốc phòng đang nỗ lực tổ chức các biện pháp tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân còn mất liên lạc tại Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trước đó, tại buổi họp về công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân do sạt lở đất tại trạm quản lý bảo vệ rừng 67 và thủy điện Rào Trăng 3 vào ngày 14-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu triển khai ngay lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn bị mất liên lạc với tinh thần quyết liệt nhất, tiếp cận nhanh nhất, ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhất theo phương án của Ban Chỉ đạo tiền phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhằm giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và lực lượng cứu nạn.

Cùng ngày 14-10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng chỉ đạo các lực lượng tham gia khẩn trương thực hiện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn với quyết tâm cao nhất, không quản ngại khó khăn về thời tiết, ngày đêm, tranh thủ từng giờ, từng phút, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Tập trung, huy động mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để hoàn thành công tác tìm kiếm trong thời gian ngắn nhất. 

Đồng thời, Bộ Quốc phòng lập cầu hàng không, bảo đảm trinh sát, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men kịp thời chi viện cán bộ, nhân dân các khu vực bị cô lập, chia cắt và mất liên lạc. Tổ chức thực hiện tốt nhất công tác chính sách đối với các đối tượng. 

Đến thời điểm hiện nay hơn 700 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4 và các đơn vị tăng cường của Bộ Quốc phòng đang nỗ lực chạy đua với thời gian, tranh thủ từng phút từng giờ, tổ chức các biện pháp tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân còn mất liên lạc tại Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, với quyết tâm: Thực hiện nhiệm vụ an toàn, hiệu quả, chất lượng nhất ..

VĂN HOÀNG

 

;
;
.
.
.
.
.