Không nề hà tuổi cao sức yếu, những cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Bắc đã tham gia xây dựng công trình trùng tu Bia Chiến tích Trung đoàn 96 tại khu vực gần đỉnh đèo Hải Vân với tất cả nhiệt tình và tâm huyết. Khánh thành từ tháng 5-2020, công trình đang góp phần lưu giữ lịch sử và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Cựu chiến binh và tuổi trẻ phường Hòa Hiệp Bắc trong một lần đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bia Chiến tích Trung đoàn 96. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Công trình trùng tu Bia Chiến tích Trung đoàn 96 tại khu vực gần đỉnh đèo Hải Vân tuy chỉ có kinh phí xây dựng gần 50 triệu đồng nhưng ý nghĩa thật sâu sắc. Đây là nơi Trung đoàn 96 (Liên khu 5) đã lập chiến công vang dội vào ngày 20-2-1947 - trận phục kích tiêu diệt đoàn xe chở lính Pháp đi càn quét, đánh phá vùng giải phóng.
Cũng tại đoạn đường đèo này, ngày 25-5-1947, Trung đoàn 96 và lực lượng du kích cánh bắc Hòa Vang chặn đánh 3 đoàn xe địch từ Đà Nẵng chạy ra ứng cứu đồng bọn ở mặt trận Huế, bắn cháy 7 xe quân sự, tiêu diệt 113 tên giặc Pháp, thu nhiều chiến lợi phẩm. Về phía ta, qua hai trận đánh ấy, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có đồng chí Giáp Văn Cương - một tiểu đoàn trưởng kiên cường của Trung đoàn 96.
Sau ngày đất nước thống nhất, lãnh đạo xã Hòa Hiệp (nay là hai phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam) và Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 96 đã xây dựng một tấm bia nhỏ để ghi nhớ chiến công và những đồng chí đã hy sinh tại vị trí đã diễn ra hai trận đánh trên. Trải qua mấy mươi năm, tấm bia đã xuống cấp, nằm lọt thỏm giữa tán cây rừng bên đường đèo. Từ đó, đầu năm 2020, Hội CCB phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã quyết định vận động kinh phí trùng tu Bia Chiến tích Trung đoàn 96 và xác định đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ tịch Hội CCB phường Nguyễn Bá Lưỡng cho biết, dùng từ trùng tu nhằm thể hiện nơi đây đã có tấm bia, còn sự thật gần như làm mới hoàn toàn.
Ngoài 20 triệu đồng từ ngân sách UBND phường Hòa Hiệp Bắc, CCB toàn phường đã đóng góp gần 30 triệu đồng và hăng hái tham gia thi công công trình nhằm thể hiện tấm lòng tri ân đối với những đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đặc biệt, CCB Trần Thạnh, Chi hội trưởng Chi hội CCB số 5 (phường Hòa Hiệp Bắc) là người am hiểu kỹ thuật xây dựng, đã tự nguyện đảm nhận chủ trì việc thi công. Phần chính của công trình là lá cờ Tổ quốc có hai chữ Quyết thắng (còn gọi là Quân kỳ) với kích thước 2,4 mét x 1,6 mét bằng đá đỏ nguyên khối tựa vào một tảng đá lớn tự nhiên ở tư thế lá cờ đang tung bay, thể hiện tính thẩm mỹ và độ vững chắc cao. Phía trước Quân kỳ có bệ thờ, lư hương và một tấm biển ghi tóm tắt chiến công của Trung đoàn 96. Bia cao gần 3 mét. Mặt trước và hai bên bệ thờ có trồng hoa và các thiết kế trang trí.
Không nề hà tuổi cao sức yếu, những người lính Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường ngày ngày đã tham gia xây dựng công trình uống nước nhớ nguồn với tất cả nhiệt tình, tâm huyết. “Toàn Hội thống nhất đây là việc làm cụ thể về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII”, ông Nguyễn Bá Lưỡng nhấn mạnh. Công trình hiện thu hút hàng trăm người đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Ông Nguyễn Trọng Phát - một chiến sĩ của Trung đoàn 96 năm xưa, hiện ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) khi đến đây thắp hương viếng đồng đội, nghẹn ngào nói: “Anh em CCB Trung đoàn 96 hết sức xúc động trước việc làm cao đẹp của Hội CCB phường Hòa Hiệp Bắc, chúng tôi đều đã già yếu nhưng mỗi lần về đây thắp hương đồng đội lại cảm thấy ấm lòng trước công trình đầy ý nghĩa này”.
Cũng tại đây, các nhân chứng lịch sử đã kể cho thanh, thiếu niên nghe về những trận đánh oai hùng của Trung đoàn 96, qua đó, góp phần giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Nói về công trình tri ân này, Phó Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Bia Chiến tích Trung đoàn 96 đã trở thành một địa chỉ đỏ hết sức ý nghĩa, thu hút các hoạt động về nguồn của tuổi trẻ toàn quận và nhiều địa phương khác”.
LÊ VĂN THƠM