ĐNO - Tối 11-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng có công điện số 09/CĐ-PCTT khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục triển khai phương án phòng chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục rà soát, triển khai phương án sơ tán nhân dân.
Ngoài 10/11 xã ở huyện Hòa Vang đã ngập, lũ cũng lên nhanh làm ngập một vùng rộng lớn ven sông thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Công điện đề nghị kiên quyết nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống... và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục thông báo kịp thời cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để có biện pháp xử lý an toàn về điện, kịp thời cắt điện ở những vùng bị ngập sâu. Sở Xây dựng chỉ đạo tổ chức chằng chống cây xanh tránh ngã đổ; chỉ đạo khơi thông cống rãnh thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập ở khu vực nội thành.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước, đập dâng do công ty quản lý, vận hành. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác, xác súc vật… bảo đảm vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh.
Sở Y tế sẵn sàng thuốc xử lý nước uống, thuốc men phòng dịch bệnh phát sinh sau lũ, lụt. Sở Công Thương tham mưu hỗ trợ lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm cần thiết cho các vùng bị ngập và các khu vực sơ tán.
Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát, thống kê các công trình giao thông do Sở quản lý bị hư hại và có phương án hướng dẫn giao thông đồng thời có phương án khắc phục tạm để bảo đảm giao thông sau lũ.
Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, tổ chức chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường lớn, tổ chức sắp xếp các phương tiện giao thông đang đậu đổ trên quốc lộ 1A đảm bảo an toàn; tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán dân đi và dân đến.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, dự báo trong đêm nay (11-10) và rạng sáng mai (12-10), đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa có khả năng lên mức 9,8m, trên báo động (BĐ) 3 là 0,8m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 8,9m, trên BĐ 3 là 0,1m, tại Câu Lâu là 4,3m, trên BĐ 3 là 0,3m, tại Hội An là 2,4m, trên BĐ3 là 0,4m.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo, tình hình lũ lụt còn rất phức tạp, khó lường. Lũ trên các sông Vu Gia và Thu Bồn có khả năng đạt mức lũ đặc biệt lớn tương tự lũ năm 2013. Do đó, các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ, có phương án chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt lớn và dài ngày gây ra.
Hiện nay, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các trưởng thôn thông báo đến người dân ở các vùng lũ bằng điện thoại và phương tiện thông tin liên lạc hiện có để người dân nắm được thông tin, chủ động chuẩn bị ứng phó với lũ. Do nhiều thôn, xóm đã bị ngập lũ gây chia cắt nên địa phương việc liên lạc bằng điện thoại và sử dụng phương tiện liên lạc khác để thông báo đến cho người dân nhanh nhất.
HOÀNG HIỆP