Tại Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi đã cụ thể hóa ba nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, sáng 21-10-2020. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Cụ thể, 3 nhóm chính sách của dự án Luật được đề xuất gồm: Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Sửa đổi luật là cấp thiết
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Một số quy định của Luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.
Thực tiễn cho thấy một số bất cập, hạn chế nổi bật như quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...
Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng… đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp.
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.
Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và "có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Số người nghiện gia tăng, năm 2009, cả nước có trên 146.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12-2019 cả nước có trên 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội.
Đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, hiệu quả không cao, nhiều địa phương làm mang tính hình thức. Công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai không còn phù hợp; chưa có quy định về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.
Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư. Cơ sở vật chất ở một số cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên. Các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.
Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
Ba nhóm chính sách nhằm khắc phục bất cập, hạn chế
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa ba nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.
Cụ thể, ba chính sách của dự án Luật được đề xuất gồm: Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đánh giá tác động của chính sách quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cho thấy quy định này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy và phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy thông qua công tác quản lý người sử dụng ma túy; tăng cường một bước cơ chế hữu hiệu phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy...
Đối với chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện, về tác động xã hội, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc, đảm bảo cho người nghiện được áp dụng các biện pháp cai nghiện tốt nhất, góp phần giảm người nghiện ngoài xã hội, mang lại hiệu quả cao cho xã hội.
Đồng thời, Luật khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.
Dự Luật cũng có chính sách xây dựng quy định về phòng, chống ma túy đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan; về kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy...
Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Trong đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.
Theo Baotintuc.vn