Từ ngày 1-7-2021, Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, trong đó dự thảo quy định thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang sử dụng mã số định danh cá nhân. Bên cạnh sự ủng hộ quy định mới này, cũng có luồng ý kiến cho rằng, để việc thay đổi đạt hiệu quả thông suốt cần những bước đi vững chắc.
Người dân thực hiện giao dịch thủ tục hành chính có liên quan đều phải mang theo sổ hộ khẩu để xác thực. TRONG ẢNH: Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” quận Hải Châu. Ảnh: TRỌNG HUY |
Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an triển khai các đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, theo lộ trình, Đà Nẵng sẽ thực hiện qua 3 giai đoạn, dự kiến cấp cho hơn 700.000 người dân (từ 14 tuổi trở lên, chưa có thẻ chứng minh nhân dân, chưa có thẻ căn cước công dân, thường trú).
Theo đó, giai đoạn 1, từ ngày 1-11-2020 đến 27-2-2021 cấp căn cước công dân cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh cấp 3. Giai đoạn 2, từ ngày 26-2 đến 30-4-2021 cấp cho sinh viên, lực lượng vũ trang, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Giai đoạn 3, từ ngày 30-4 đến 1-7-2021 cấp cho các đối tượng còn lại. Công an thành phố đã thực hiện rà soát số người cần cung cấp căn cước công dân. “Hiện chúng tôi đã chuẩn bị nhân lực cơ bản, bảo đảm triển khai các đề án có hiệu quả. Các địa phương trên địa bàn thành phố tạo điều kiện tăng cường cán bộ có chuyên môn hỗ trợ để thực hiện đề án thuận lợi và đạt kết quả cao. Công an thành phố đã có kế hoạch tuyên truyền cụ thể về việc này và công tác tập huấn cho cán bộ chuyên môn chủ chốt được thực hiện vào nửa đầu tháng 10”, Đại tá Quách Văn Dũng cho biết.
Trung tá Đặng Thị Hồng Loan, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Sơn Trà cho rằng, việc triển khai thực hiện bỏ SHK, STT tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người dân và cơ quan quản lý. Việc sử dụng SHK như hiện nay gây nhiều khó khăn, rườm rà, tốn thời gian, chi phí phát sinh cho công dân khi đi làm các thủ tục hành chính (TTHC); gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Bỏ SHK không phải bỏ các TTHC liên quan mà là bỏ cách quản lý dân cư theo hình thức thủ công, phức tạp; qua đó đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý dân cư. Mặt khác, khi triển khai cấp căn cước công dân, việc bảo mật thông tin công dân được bảo đảm tuyệt đối; đồng thời bảo đảm phục vụ công tác chuyên môn của ngành (công an) trong điều tra, truy xuất dữ liệu cư trú công dân được nhanh chóng, kịp thời.
Theo luật sư Đỗ Pháp, việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng SHK, STT và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan qua hệ thống các cơ sở dữ liệu và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Điều này góp phần tiến tới công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí, xóa bỏ các TTHC rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân. “Việc thay đổi, quản lý SHK, STT là sự thay đổi rất tiến bộ, phù hợp với xu thế và bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân”, luật sư Đỗ Pháp nói.
Cũng theo luật sư Đỗ Pháp, Chính phủ, Bộ Công an quyết tâm thực hiện việc thay đổi SHK, STT sang hình thức quản lý bằng mã định danh cá nhân là một quá trình kéo theo rất nhiều vấn đề liên quan cần phải giải quyết. Trước hết, là phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân. Bên cạnh đó, tất cả cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú. Để thực hiện lộ trình này cần phải có sự đồng bộ trong phương thức quản lý của các cơ quan chức năng, sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ từ cơ quan chủ quản (ngành công an).
Bên cạnh đó, cần phải dự tính được các yếu tố phát sinh trong quá trình triển khai để có giải pháp xử lý dứt điểm, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả. “Liên quan đến SHK, STT sẽ phát sinh hàng loạt mối quan hệ pháp lý, tác động rất lớn đến những quy định về công dân, cư trú… Do đó, cần phải có bước đi vững chắc. Tôi cho rằng, với lộ trình đặt ra như hiện nay e là hơi gấp gáp, gây áp lực lớn cho lực lượng công an”, luật sư Đỗ Pháp nói.
Trung tá Đặng Thị Hồng Loan đề xuất, việc cấp căn cước công dân trước hết phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tránh lúng túng trong triển khai; phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan một cách kịp thời; những văn bản không còn phù hợp nhanh chóng được điều chỉnh, tránh vướng mắc trong triển khai. Được biết, hiện có gần 30 TTHC đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có SHK, STT; có tới 22 nghị định và 54 thông tư có quy định liên quan đến SHK, STT.
TRỌNG HUY