Ông Đinh Ngọc Đông, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ:

Đề cao tính gương mẫu trong các vấn đề văn hóa, đạo đức, xã hội

.

Qua nghiên cứu dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ đề của dự thảo Báo cáo chính trị là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trước đây, chúng ta chỉ ghi “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, lần này, chủ đề đại hội được đề xuất “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, đã bổ sung thêm cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng vừa là thành viên, vừa có vai trò lãnh đạo cao nhất. Từ đó đã nhấn mạnh vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị. Đối với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tôi thấy dự thảo đã đánh giá đúng tình hình, khái quát toàn diện mọi mặt kinh tế - xã hội, chỉ ra được nguyên nhân và kết quả của những thành tựu, nêu được các bài học kinh nghiệm.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tôi thống nhất cao với nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, văn hóa - xã hội nước ta đang đối mặt với sự xuống cấp đạo đức, lợi ích vật chất và sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; trong phát triển con người, thể hình, thể lực người Việt Nam ở hàng thấp bé so với thế giới…

Vì vậy, theo tôi, chúng ta phải thay đổi nhận thức từ chỗ chỉ chú trọng phát triển trí tuệ, nay phải chú ý hơn nữa đến thể lực, tư duy, thẩm mỹ; đồng thời, cũng phải nhấn mạnh, đề cao tính gương mẫu trong các vấn đề văn hóa, đạo đức, xã hội, phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa cộng đồng; tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”; khẳng định, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, dòng họ trong nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ; chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một.

Về quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, theo tôi, Trung ương cần thực sự coi trọng, có biện pháp hữu hiệu trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cần có định hướng rõ ràng, cụ thể trong hoạt động bảo vệ môi trường, không nên phát động nhiều phong trào chung chung mà chỉ nên tập trung vào các phong trào, mô hình hiệu quả; quan tâm đến bảo vệ môi trường biển, nhất là các nguồn chất thải chảy ra biển; có giải pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ, có hệ thống các nguồn tài nguyên.

ĐẶNG NỞ (ghi)

;
;
.
.
.
.
.