“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, quan niệm trọng nam, khinh nữ không rõ “ra đời” chính xác từ khi nào nhưng hệ lụy của quan niệm sai lầm này vẫn còn tồn tại và lưu cữu trong tâm trí của không ít gia đình. Dù rằng, nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi, bởi bất luận nam hay nữ, điều cốt yếu là phải được chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần để đến khi trưởng thành mọi công dân đều sống, làm việc, học tập, cống hiến và hưởng thụ bình đẳng trước pháp luật.
Ấy vậy mà thực tế vẫn là sự thách đố khi số liệu Tổng điều tra dân số giai đoạn 1979-1999 cho thấy tỷ số giới tính của Việt Nam khá đẹp, tỷ lệ nam/nữ sinh ra (còn sống) là 105/100 vào năm 1979; năm 1989 tỷ lệ này là 106/100 và năm 1999 là 107/100. Thế nhưng, từ năm 2006, vấn đề mất cân bằng giới tính đã trở thành thách thức với công tác dân số khi tỷ lệ này đã tăng lên 109,8/100, đến năm 2010 tiếp tục tăng lên 112,2/100, năm 2015 tiếp tục nhích lên là 112,8/100 và rồi đến cuối năm 2019 giảm nhẹ xuống còn 111,5/100. Đặc biệt, ở một số vùng miền như Đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ bé trai/gái này còn đạt mức rất đáng lo ngại với 120/100. Với con số này, hãy hình dung, sau 20 năm nữa, khi các bé trai, bé gái này đến tuổi xây dựng gia đình thì 20 bé trai dôi dư đó sẽ đi đâu để tìm vợ?
Ở bình diện quốc gia, việc chênh lệch số bé trai và bé gái ngày càng có xu hướng nới rộng như vậy sẽ để lại vô số hệ quả khó xử lý. Theo tính toán của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, với mức độ chênh lệnh giữa trẻ sơ sinh nam và nữ như hiện nay thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ “dôi dư” từ 2,3 đến 4,3 triệu đàn ông không có cơ hội lấy vợ. Dưới góc độ xã hội học, đây là con số rất đáng lo ngại, báo động, bởi lẽ từ đây sẽ sinh ra rất nhiều vấn nạn như kết hôn sớm, rối loạn tâm thần, tệ nạn xã hội... Câu chuyện trai hay gái, vì vậy, đã không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình...
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình, để giải bài toán này, lực lượng chức năng cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để thay đổi được suy nghĩ trọng nam sinh nữ, cố tìm con trai để nối dõi tông đường... Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về khám sàng lọc giới tính thai nhi.
Bất luận vì lý do gì, các cơ sở y tế dù công lập hay tư nhân phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc không sử dụng phương pháp cận lâm sàng hay bất cứ biện pháp nào khác để xác định giới tính thai nhi. Và cuối cùng, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xác định giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính theo đúng tinh thần Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế vừa ban hành ngày 28-9-2020 và có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Thực hiện tốt những điều này mới hy vọng giới tính sẽ cân bằng theo cách tự nhiên nhất, đó cũng là cách bền vững nhất.
T.S