Đà Nẵng là một trong 17 địa phương dự kiến sẽ được Bộ Công an chọn thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng từ tháng 1-2021. Bên cạnh mặt thuận lợi thông thuộc địa hình, có thể tham gia phòng ngừa, xử lý tốt các vụ cháy nhỏ trong khu dân cư, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng cũng gặp nhiều khó khăn khi thiếu kỹ năng chuyên sâu và phương tiện, đồ bảo hộ chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở quận Thanh Khê thực hành sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ. Ảnh: L.HÙNG |
Xử lý tốt các vụ cháy nhỏ trong khu dân cư
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Đội trưởng Đội dân phòng nữ phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), nhờ thường xuyên được tuyên truyền, tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cộng với việc nắm rõ từng kiệt hẻm, nhà dân nên lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng có thể xử lý kịp thời, hiệu quả những vụ cháy nhỏ trong khu dân cư. Bà Tâm cho biết: “Khi nhận tin báo có cháy trong khu dân cư, bất kể giờ giấc, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng đều có mặt kịp thời để cùng người dân sử dụng những vật dụng, thiết bị sẵn có để dập lửa. Đối với những đám cháy lớn, ngoài việc ứng cứu ban đầu, điện báo lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, lực lượng cơ sở sẽ tham gia di chuyển tài sản, người già, trẻ em đến nơi an toàn”.
Trong 3 năm làm Trưởng Ban bảo vệ dân phố phường Khuê Mỹ và 15 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Nguyễn Hữu Ký đã nhiều lần tham gia chữa cháy tại khu dân cư. Ông Ký kể, khuya cách đây 2 năm, ông phát hiện tại xưởng gỗ nằm trên tuyến đường Trần Văn Thành có ngọn lửa bốc lên nên vội đánh kẻng huy động lực lượng, đồng thời điện báo cơ quan chức năng. Trong thời gian chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp điều phương tiện đến, ông cùng những người có mặt tại hiện trường sử dụng bình chữa cháy mini và vật dụng sẵn có để dập ngọn lửa. Nhờ sự phối hợp kịp thời giữa các lực lượng, ngọn lửa được dập tắt nhanh chóng, không lây lan sang những nhà xung quanh. Gần đây nhất, trong lúc đang nghỉ trưa, ông nhận được thông tin một phòng trọ nằm trong khu dân cư Đa Mặn 8 (phường Khuê Mỹ) phát ra mùi khét, nghi bị chập điện dẫn đến cháy. Lập tức, ông cầm bình chữa cháy mini chạy đến cùng người dân phá cửa vào trong dập tắt nhanh ngọn lửa…
Ngoài việc tham gia dập tắt các vụ cháy nhỏ, những năm qua, ông Nguyễn Hữu Ký, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm và lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng trên địa bàn thành phố còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng cháy, chữa cháy; sử dụng bảo đảm nguồn điện, khí gas cũng như trang bị bình chữa cháy mini tại từng hộ gia đình. “Hiện nay, đa số nhà dân trên địa bàn phường Khuê Mỹ đã trang bị bình chữa cháy mini. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố tiến hành kiểm tra lại chất lượng các bình chữa cháy đang có trong dân, nếu bình nào không bảo đảm, không còn sử dụng được thì yêu cầu thay mới. Đối với những vụ cháy nhỏ, cháy do chập điện, hở khí gas, việc sử dụng bình chữa cháy mini rất hiệu quả”, ông Ký nói.
Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố đánh giá: “Lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là người địa phương, nắm rõ từng kiệt hẻm, đặc điểm tình hình khu dân cư nên việc tham gia chữa cháy tại những vụ cháy nhỏ rất hiệu quả và kịp thời. Thời gian qua, lực lượng cơ sở đã phối hợp cùng lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp làm tốt công tác phòng ngừa, cũng như tham gia dập tắt kịp thời nhiều sự cố cháy nhỏ ngay từ đầu, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản”.
Cần đầu tư trang thiết bị và đào tạo chuyên sâu
Theo nhiều bảo vệ dân phố, dân phòng trên địa bàn thành phố, khó khăn lớn nhất của lực lượng cơ sở khi tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là thiếu kiến thức chuyên sâu và trang thiết bị, đồ bảo hộ chuyên dụng. Bởi lâu nay, các lực lượng cơ sở chỉ được tập huấn theo phong trào toàn dân và chỉ có thể dùng thiết bị, vật dụng sẵn có trong dân để tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ông Nguyễn Hữu Ký cho rằng, nếu giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, các cấp cần phải trang bị thêm trang thiết bị và đồ bảo hộ chuyên dụng; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên sâu...
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Công an phường Khuê Mỹ cho biết, lực lượng Công an phường, ban bảo vệ dân phố, dân phòng theo phân cấp như hiện nay chỉ phối hợp với Đội phòng cháy chữa cháy của Công an quận và các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền làm công tác phát hiện điểm nguy cơ và tuyên truyền phòng ngừa cho người dân là chính. “Hiện nay, tại 7 khu vực của phường Khuê Mỹ đều có tổ phòng cháy, chữa cháy tại chỗ do lực lượng dân phố, dân phòng làm chủ công. Họ là những người tại chỗ nên thuận lợi trong việc dập lửa nếu cháy nhỏ xảy ra. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay của các tổ là trang thiết bị, công cụ hỗ trợ thô sơ, thiếu thốn. Nếu việc thí điểm được triển khai, Công an phường sẽ tham mưu UBND phường đầu tư thêm trang thiết bị và đồ bảo hộ”, Trung tá Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Nam, khó khăn lớn nhất của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là chưa được đào tạo bài bản, chưa có nghiệp vụ chuyên sâu về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. “Thời gian đến, nếu được giao thí điểm, chúng tôi sẽ có kế hoạch tổ chức huấn luyện chuyên sâu hơn cho lực lượng này. Tuy nhiên, để lực lượng này làm tốt hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở thì cần phải trang bị thêm dụng cụ và đồ bảo hộ chuyên dụng cho họ”, Thượng tá Nguyễn Thành Nam cho biết.
Trong năm 2020, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 142 vụ cháy (121 vụ cháy dân sự và 21 vụ cháy rừng), trong đó 77 vụ cháy trung bình, 62 vụ cháy nhỏ, 2 vụ cháy lớn và 1 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong 83 vụ đã điều tra, làm rõ nguyên nhân có 34 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 30 vụ do sơ suất bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt. |
LÊ HÙNG