Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

.

Thành phố đang chú trọng bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa vào đầu năm 2021. (Ảnh chụp khi không có Covid-19). Ảnh: PV
Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa vào đầu năm 2021. (Ảnh chụp khi không có Covid-19). Ảnh: PV

Bảo vệ, phát triển nữ hoàng linh trưởng

Năm 2016, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu đánh giá kỹ và công bố có khoảng 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà.

Trong quý 2-2021, GreenViet phối hợp Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và các đơn vị liên quan triển khai khảo sát lại quần thể voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà để cập nhật số liệu và so sánh với kết quả nghiên cứu đã thực hiện và công bố vào năm 2016; đồng thời đánh giá về phân bố, số lượng và sự phát triển của quần thể. Kết quả ban đầu cho thấy, quần thể voọc chà vá chân nâu đang sinh trưởng trong môi trường thuận lợi và phân bố rộng rãi.

Anh Hoàng Quốc Huy, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và quản lý dự án thuộc GreenViet cho biết: “Với hiện trạng bảo vệ rừng rất tốt như hiện nay, tôi rất tin tưởng đàn voọc tại đây đang phát triển tốt, vùng phân bố rộng. Có thể thấy, nhiều đàn có con non mới, dấu hiệu bẫy trong rừng và người xâm nhập bất hợp pháp trong rừng cũng ít đi. Báo cáo kết quả khảo sát dự kiến sẽ được công bố trong thời gian đến và tình hình bảo vệ rừng hiện nay tại rừng Sơn Trà đang được thực hiện nghiêm ngặt. Công tác bảo tồn quần thể voọc chà vá chân nâu đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mong đợi”.

Đầu năm 2021, lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách đã phát hiện, ghi lại hình ảnh sự di chuyển của 3 đàn voọc chà vá chân nâu tại tiểu khu 5, 30 và khu vực giáp ranh giữa tiểu khu 32 và tiểu khu 39 của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa.

Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Quách Hữu Sơn thông tin: “Ở các khu vực trên, mỗi đàn voọc chà vá chân nâu có 5-6 cá thể. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị cũng đã nhiều lần nhìn thấy sự xuất hiện của các đàn voọc chà vá chân nâu ở nhiều địa điểm khác nhau trong lâm phận. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các loài thú quý hiếm, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu chứng tỏ công tác quản lý bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng hiệu quả. Rừng được bình yên, kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các hoạt động xâm hại trái phép”.

Vai trò quan trọng trong phát triển bền vững

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng Trần Viết Phương thông tin, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố đã có nhiều tiến bộ. Điển hình là tỷ lệ che phủ rừng của thành phố hiện nay đạt 47,2%, tăng 3,65% so với năm 2016 và cao hơn 5,19% so với mức bình quân chung của cả nước. So với giai đoạn 2011-2015, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về lâm nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đã giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại; nhất là số vụ cháy rừng giảm 42,86% và thiệt hại về rừng giảm 79,4%. Hiện đơn vị đang tập trung hoàn thiện để trình UBND thành phố phê duyệt đề án quy hoạch 3 loại rừng nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, triển khai các chương trình, dự án bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên rừng nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị, du lịch và bền vững. Ngoài ra, tiếp tục triển khai công tác bảo tồn, phát triển bền vững hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, chú trọng ở các khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho rằng, công tác bảo tồn và phát huy tính đa dạng sinh học có vai trò hết sức quan trọng trong định hướng phát triển bền vững, đặc biệt đối với các ngành du lịch, nông - lâm - ngư nghiệp, dược liệu, nghiên cứu khoa học và điều hòa khí hậu cho thành phố. UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của thành phố Đà Nẵng gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của thành phố...

Theo đó, xây dựng lộ trình để nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, đầu tư phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên hiện trạng như: Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà, Nam Hải Vân; nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn của thành phố theo hướng trở thành vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển... theo các tiêu chí quốc gia; hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý các khu bảo tồn trên cạn và dưới nước của thành phố; xây dựng, thực hiện và nhân rộng các mô hình, chương trình, dự án về bảo tồn và phát triển có hiệu quả các nguồn gen có giá trị...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.