Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8-8-1921 - 8-8-2021): Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng

.

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8-8-1921, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí Lê Quang Đạo sớm giác ngộ và đến với cách mạng từ khi còn rất trẻ.

Đồng chí Lê Quang Đạo (1921-1999). (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Lê Quang Đạo (1921-1999). (Ảnh tư liệu)

Tháng 8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; cuối năm 1940, được phân công là Bí thư Chi bộ Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Giữa năm 1941, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng và lấy tên là Lê Quang Đạo; cuối năm 1941 đến đầu năm 1942, được phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 4-1942 đến tháng 4-1943 là Bí thư Ban Cán sự đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ tháng 5-1943 đến tháng 10-1944, là Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.

Từ tháng 5-1945 đến tháng 8-1945, đồng chí phụ trách báo Quyết Thắng và mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Giang). Giữa tháng 8-1945, đồng chí được cử làm chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang.

Từ tháng 10-1945 đến tháng 6-1946, đồng chí Lê Quang Đạo tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và trở thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Từ tháng 6-1946 đến tháng 12-1946 là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ tháng 12-1946 đến cuối năm 1947, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (khu XI). Tháng 11-1947, là Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Năm 1948, đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông; cuối năm 1948 là khu ủy viên, rồi Ủy viên Thường vụ Liên khu III, phụ trách công tác tuyên huấn. Từ năm 1949 đến tháng 8-1950, đồng chí giữ chức Phó ban Tuyên truyền Trung ương Đảng. Tháng 9 năm 1950, đồng chí được điều động vào Quân đội nhân dân Việt Nam; giữa tháng 10-1950 được phân công làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên giới, phụ trách công tác tuyên huấn của chiến dịch.

Từ tháng 10-1950 đến năm 1953 làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy chiến dịch, Chính ủy Sư đoàn 308 tham gia suốt chiến dịch. Tháng 7-1954 là Phó trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Việt - Pháp. Tháng 5-1955 đến tháng 8-1978 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên huấn, địch vận, đối ngoại. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tại hội nghị lần thứ 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 3-1972) đồng chí được bầu vào Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương. Năm 1974, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 12-1978, đồng chí rời Quân đội và được phân công là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Năm 1983, phụ trách công tác Dân vận của Trung ương và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 6-1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tháng 11-1988, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III, đồng chí được cử vào Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đầu năm 1993, thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để chuyên trách về công tác Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8-1994, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 24-7-1999, đồng chí Lê Quang Đạo mất tại Hà Nội.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

S.TRUNG
(Theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
;
.
.
.
.
.