Phát triển văn hóa xứng tầm

.

Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất là những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) thành phố lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xứng tầm và phù hợp với đặc trưng của Đà Nẵng.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Vỹ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, di sản văn hóa Đà Nẵng đón nhận nhiều tin vui như: Thủ tướng Chính phủ công nhận tượng Ganesha và tượng Gajasimha lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo vật quốc gia, Lễ hội truyền thống Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ... Đây là những hiệu quả bước đầu của Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, sở đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới. Đồng thời, tiếp tục huy động sức mạnh toàn xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.

“Các di sản được xếp hạng góp phần giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của thành phố và đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho nhân dân. Qua đó, đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực phát triển kinh tế”, ông Hà Vỹ nhấn mạnh.

Song song đó, các hoạt động nâng cao giá trị văn hóa truyền thống, cộng đồng, nâng tầm lễ hội cũng được Sở VH&TT quan tâm, triển khai. Đơn cử, lễ hội đình làng Hải Châu năm 2021 vừa qua, bên cạnh các phần lễ chánh tế, nghi lễ dâng hương cổ truyền, sự kiện còn kết hợp nhiều hoạt động mới, hấp hẫn, thu hút đông đảo người dân, học sinh trên địa bàn thành phố tham dự. Ngoài ra, sở tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, một số nhiệm vụ cụ thể được đặt ra như: sưu tầm, phục dựng và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đã hoặc có nguy cơ bị mai một cao (tiếng nói, nghề truyền thống, trình diễn dân gian, phong tục...); sưu tầm, phục hồi và hỗ trợ tổ chức các lớp học truyền dạy một số loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc trưng có nguy cơ bị thất truyền (nghệ thuật cồng, chiêng, múa tung tung - da dá...). Với nỗ lực của các ngành chức năng, đến nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống, lễ hội đặc trưng của thành phố cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn thành phố.

Đầu tư, nâng cấp công trình văn hóa trọng điểm

Để bảo đảm tiến độ triển khai tu bổ, phục hồi và tôn tạo thành Điện Hải - giai đoạn 2 và cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, thời gian qua, Sở VH&TT tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố tăng đầu tư ngân sách, nguồn lực, phương tiện cho các hoạt động văn hóa và các công trình văn hóa. Vừa qua, Sở VH&TT phê duyệt hồ sơ mời thầu xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng với giá trị 321 tỷ đồng và tổ chức lễ khởi công dự án.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Định Quốc Thiện cho biết, bảo tàng tại vị trí mới sẽ kết nối với quảng trường chung quanh Thành Điện Hải, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố và cảnh quan bờ tây sông Hàn tạo thành quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo. Khi dời về số 42 Bạch Đằng, Bảo tàng Đà Nẵng cũng mở rộng quy mô trưng bày, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ đó, góp phần phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân và du khách.

Mặt khác, việc dời Bảo tàng Đà Nẵng về vị trí mới cũng giúp đẩy nhanh tiến độ dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo Thành Điện Hải - giai đoạn 2. Ở giai đoạn này, dự án tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành, gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu... và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ hy sinh, các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích. Sau khi được đầu tư hoàn thiện, Thành Điện Hải sẽ thành điểm nhấn cảnh quan trong quảng trường trung tâm thành phố và là điểm đến lý tưởng cho nhân dân, du khách và các nhà nghiên cứu.

Theo Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở VH&TT thành phố Nguyễn Thị Hội An, việc đầu tư các công trình văn hóa xác định đáp ứng 3 yếu tố, gồm: mang tầm vóc bản sắc của thành phố và trung tâm văn hóa khu vực miền Trung và Tây Nguyên; các hạng mục đầu tư xuất phát từ nhu cầu của người dân thành phố; trở thành sản phẩm khai thác phục vụ khách du lịch. Thời gian qua, đơn vị tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả các hoạt động văn hóa, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức ngành VH&TT, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp, đồng hành của các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, ngành VH&TT tiếp tục tham mưu nhiều chủ trương, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ chính trị đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố”, bà Hội An cho biết.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.