Sớm xây kè chống sạt lở các bờ sông

.

Tình hình lũ và chế độ dòng chảy trên các sông ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống ven sông. Triển khai khẩn cấp các công trình kè chống sạt lở bờ sông Yên và đầu tư các công trình kè chống sạt lở bờ sông Cu Đê, Túy Loan, Vĩnh Điện, Quá Giáng là vấn đề bức thiết hiện nay.

Tuyến kè bảo vệ bờ sông Yên đoạn qua thôn An Trạch, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị xói lở nghiêm trọng sau mùa lũ cuối năm 2020.  							     Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tuyến kè bảo vệ bờ sông Yên đoạn qua thôn An Trạch, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị xói lở nghiêm trọng sau mùa lũ cuối năm 2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Những ngày này, đi trên những cây cầu bắc qua sông Yên, nhìn thấy những đoạn bờ sông đoạn qua xã Hòa Tiến và xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) bị sạt lở, những gốc tre chống sạt lở đã bị đổ sập xuống sông sau mùa lũ cuối năm 2020, người dân không khỏi lo lắng bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến mùa mưa bão.

Đặc biệt, bờ sông Yên tại đoạn từ hạ lưu đập dâng An Trạch đến cầu bắc qua tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương (thuộc địa bàn thôn An Trạch, xã Hòa Tiến) bị sạt lở nặng, nhất là trong mùa lũ cuối năm 2020 khi có tình huống mới là xuất hiện dòng chảy thoát lũ ngược từ khu dân cư ra sông. Nguyên nhân là tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương có cao trình mặt đường rất cao so với địa hình khu dân cư, làm lũ không thoát về hạ lưu như trước đây mà chảy ngược trở lại ra bờ sông để thoát về hạ lưu qua cầu bắc qua tuyến đường nói trên. Dòng chảy thoát lũ ngược này làm cuốn trôi nhiều đất ở bờ sông, thậm chí còn cuốn trôi cả lũy tre lớn xuống sông.

Theo phản ánh của người dân ở tổ 3, thôn An Trạch (xã Hòa Tiến), trong 10 năm qua, vệt sạt lở đã lấn sâu vào bờ hơn 10m. Bờ sông trước đây thoai thoải, người dân còn trồng đậu, mè, rau... ven sông nhưng sông đã “nuốt chửng” khiến giờ phải trồng tre để ngăn sạt lở mà vẫn bị lấn sâu vào bờ. Đáng chú ý, trong mùa mưa lũ cuối năm 2020, vệt sạt lở “ngoạm” sâu hơn 5m vào bờ, đe dọa tuyến đường bê-tông dọc bờ sông.

“Khi thấy dòng chảy thoát lũ ngược có nguy cơ cuốn trôi tuyến đường bê-tông, người dân rủ nhau đào một mương đất trổ dòng chảy sang hướng khác trước khi chảy xuống sông để bảo đảm an toàn tuyến đường này. Một lũy tre lớn cũng bị lũ làm trôi ra sông hơn 5m. Dòng chảy thoát lũ ngược do ảnh hưởng của tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương làm sạt lở bờ sông. Người dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ sông và có lưu ý, tính toán về dòng chảy thoát lũ ngược này để bảo đảm an toàn công trình cũng như bờ sông”, ông Đặng Tình, người dân trú tổ 3, thôn An Trạch kiến nghị.

Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc chia sẻ: “Hiện các đơn vị chức năng đang tiến hành thủ tục bồi thường thiệt hại để triển khai thi công công trình kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên đoạn qua thôn La Châu, xã Hòa Khương và 2 thôn An Trạch, Bắc An thuộc xã Hòa Tiến”.

Công trình kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên nói trên được HĐND thành phố thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất bổ sung tại Nghị quyết số 294/NQ-HĐND ngày 22-5-2020 với tổng diện tích đất thu hồi dọc bờ sông là 2,2ha. Đến ngày 6-7-2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2365/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư công trình có tổng chiều dài 2.203m với tổng mức đầu tư 42,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, nhằm chỉnh lý êm thuận cho việc thoát lũ, giảm thiểu tác động của các yếu tố và nguyên nhân gây xói lở, bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ...

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, bên cạnh việc khẩn trương triển khai công trình kè chống sạt lở khẩn cấp các đoạn xung yếu trên sông Yên nói trên, đơn vị cũng đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên đoạn từ hạ lưu đập dâng An Trạch đến cầu Sông Yên về ngã ba sông Cẩm Lệ (các đoạn kè còn lại) có tổng chiều dài 10.262m với tổng mức đầu tư 179,2 tỷ đồng.

Đơn vị cũng đang làm thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và trình thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang).

Đồng thời, đang tiến hành khảo sát, đề xuất chủ trương đầu tư các đoạn kè nhằm khắc phục các đoạn sông đang bị sạt lở bờ như: công trình kè chống sạt lở bờ bên phải sông Cẩm Lệ đoạn từ hạ lưu cầu Đỏ đến thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương (quận Cẩm Lệ) với chiều dài khoảng 3.200m; các đoạn kè chống sạt lở bờ sông Vĩnh Điện với tổng chiều dài khoảng 4km gồm: bờ tả đoạn từ Km3+810 đến Km5+600, bờ hữu đoạn từ Km6+970 đến Km8+970, đoạn qua thôn Giáng Nam (xã Hòa Phước) từ Km8+00 đến Km8+668 và từ Km9+078 đến Km 9+700.

Khảo sát và đề xuất chủ trương đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ sông Cu Đê đoạn hạ lưu cầu Phò Nam (bờ hữu đoạn từ Km8+800 đến Km11+00 và bờ tả đoạn từ Km10+600 đến Km11+600) với chiều dài khoảng 3.300m; công trình kè chống sạt lở sông Túy Loan đoạn qua thôn Hòa Phước và thôn Đông Lâm của xã Hòa Phú, thôn Diêu Phong của xã Hòa Nhơn và kè bờ sông đoạn qua khu vực cầu Hói thuộc xã Hòa Phong với tổng chiều dài 3.300m.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.