Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tích cực vận động nguồn lực toàn xã hội, tạo mọi điều kiện chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố bàn giao nhà tình thương và tặng vật dụng gia đình cho hộ ông Nguyễn Tối (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).(Ảnh chụp khi không có Covid-19). Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Thảm họa da cam ở Việt Nam để lại hậu quả nặng nề. Đảng, Nhà nước ta xác định, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị.
16 năm hoạt động và phát triển
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố được thành lập ngày 22-1-2005 theo Quyết định số 54/QĐ-UBND của UBND thành phố. 16 năm qua, hội không ngừng lớn mạnh, phát triển, với nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn thành phố có 7 quận, huyện hội; 56 chi hội xã, phường; 2 trung tâm trực thuộc Thành Hội (Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố và Trung tâm xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng Đà Nẵng). Toàn hội có 3.000 hội viên (có 67 hội viên người nước ngoài); 6 CLB với 175 tình nguyện viên tham gia. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 5.000 nạn nhân da cam, trong đó có gần 1.400 trẻ em và nhiều gia đình có từ 2 đến 3 nạn nhân da cam.
Giai đoạn 2005-2021, hội nỗ lực vận động, chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ nạn nhân da cam, giúp họ vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng, góp phần vào công tác bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Các cấp hội tổ chức nhiều chương trình hoạt động như “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”, “Mùa xuân cho em”, “Kết nối và yêu thương”, triển lãm “Lương tri và công lý”, “Đồng hành đi bộ, ký tên công lý vì nạn nhân da cam”...
16 năm qua, hội vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ tiền, hàng trợ giúp nạn nhân da cam với tổng trị giá hơn 135 tỷ đồng. Hội tổ chức nuôi dưỡng bán trú 120 trẻ em nạn nhân da cam; tặng quà 75.000 lượt nạn nhân da cam; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 50 nhà tình thương; trợ dưỡng thường xuyên gần 12.000 lượt nạn nhân da cam; hỗ trợ phương tiện đi lại và học tập (xe đạp, xe lăn, xe lắc, máy vi tính) cho 1.000 nạn nhân da cam; trao học bổng cho 300 nạn nhân da cam vượt khó hiếu học; trợ cấp khó khăn cho 1.500 nạn nhân da cam; tặng vật dụng gia đình cho 150 nạn nhân da cam; hỗ trợ vốn sản xuất, phương tiện sinh kế cho 500 hộ có nạn nhân da cam; tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ em nạn nhân da cam cho 250 gia đình; khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho 750 gia đình nạn nhân da cam; xông hơi, giải độc cho gần 700 người…
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19 nhưng toàn hội huy động gần 5 tỷ đồng hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân da cam và kết nối được nhiều nhà tài trợ mới. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Tô Năm chia sẻ: “Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ nạn nhân da cam được tiến hành công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng và luôn tạo điều kiện cho nhà tài trợ trực tiếp trao tặng quà cho nạn nhân da cam”.
Lan tỏa hành động đẹp
Trong phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ năm 2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm: Vận động các nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ nạn nhân da cam và tham gia tuyên truyền, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam thông qua vụ kiện dân sự, yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ và Chính phủ Mỹ có trách nhiệm đối với hậu quả chất dioxin tại Việt Nam.
Khởi công xây dựng nhà tình thương tặng gia đình nạn nhân da cam ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) năm 2021. (Ảnh chụp khi không có Covid-19). Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố ban hành nhiều văn bản, chủ trương, định hướng về công tác hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân da cam. Thành ủy đã ban hành công văn về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” và nêu rõ yêu cầu tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố chỉ đạo các quận, huyện hội tham mưu cấp ủy địa phương tiến hành các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân da cam. Tại các quận, huyện, phường, xã, Ủy ban Mặt trận các cấp cùng các đoàn thể tuyên truyền, vận động đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”. Đội ngũ cán bộ hội các cấp vừa nêu cao trách nhiệm đối với công tác, vừa phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân da cam.
Mỗi dịp đón xuân mới, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố được nhiều nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà. Trong đó, CLB Hoa từ bi kết nối yêu thương, Gia đình Hàn Việt, Nhóm phụ nữ thiện nguyện Hòa Thọ Tây nhiều lần tặng quà cho trẻ em nơi đây. Hay như chùa Phổ Quang (quận Sơn Trà), chùa Tân Thành (quận Thanh Khê), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores, Nhóm từ thiện Chung một ước mơ... tích cực trợ giúp Trung tâm về gạo, tiền, quà bánh và các loại vật dụng thiết yếu.
Đồng thời, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố vận động các cơ quan, đơn vị trợ dưỡng thường xuyên cho nạn nhân da cam. Tiêu biểu như Công ty CP Dệt may 29-3 trợ dưỡng 30 cháu với mức 200.000 đồng/tháng/cháu; Hội Từ thiện Hà Nội trợ dưỡng 17 cháu với mức mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH MTV Nam Lào trợ dưỡng 10 cháu, mỗi tháng 300.000 đồng/cháu.
Trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà 100% nạn nhân da cam trên địa bàn thành phố. “Đặc biệt, 10 năm qua, các cơ quan thông tấn báo chí có hơn 3.500 tin, bài, phóng sự được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, chuyển tải kịp thời mọi hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về hậu quả của chất độc da cam”, ông Tô Năm nhấn mạnh.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của UBND thành phố; bằng khen của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
LÊ VĂN THƠM