Chính trị - Xã hội

Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương

15:04, 18/12/2021 (GMT+7)

Sáng 18-12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến vào Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật” do Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị.

Hội nghị cũng đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021, triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 và Chương trình công tác năm 2022 của ban chỉ đạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Cùng dự Phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Phiên họp còn có sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.

Về Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật” do Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình, đây là Đề án được hoàn thiện theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 12.

Đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật thông qua tăng cường các giải pháp kiểm soát chất lượng; tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu về hành nghề luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Mục tiêu đến năm 2026 có 100% chương trình đào tạo cử nhân thuộc nhóm ngành pháp luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu, trong đó đề xuất coi đào tạo cử nhân luật là một ngành đặc biệt và cần có bộ tiêu chí khắt khe để tuyển đầu vào, đầu ra, điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Sau khi nghe các thành viên dự họp nêu ý kiến, phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật” có ý nghĩa lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Do đó Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu ý kiến, tiếp tục bổ sung Đề án, trong đó cần đưa ra được các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo luật trong cả hệ thống các cơ sở đào tạo lĩnh vực này mà trước hết là tập trung cho hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết đóng cửa các cơ sở đào tạo luật không đạt yêu cầu, ví dụ không đạt về giáo viên cơ hữu, giáo trình giáo án, cơ sở vật chất… Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành bộ tiêu chí để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật, nhất là đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, quan điểm lập trường liên quan đến bảo quyền con người, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Yêu cầu trong quý 1 năm 2022 Đề án phải được phê duyệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện dự thảo Đề án, Bộ Tư pháp thẩm tra Đề án và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Công tác cải cách tư pháp đã đóng góp quan trọng vào tổng thể các chương trình, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp; đẩy mạnh xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Về nhiệm vụ năm 2022, ngoài 11 chương trình mà Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã xây dựng, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như dành nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống các cơ quan tư pháp; tiếp tục dành thời gian đóng góp và hoàn thành dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Báo Tin tức

.