Chính trị - Xã hội

Cơ cấu lại ngành kinh tế phù hợp bối cảnh Covid-19

10:31, 16/12/2021 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 16-12, kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường. Nhiều đại biểu cho rằng, thành phố cần linh hoạt cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm tỉ lệ dịch vụ, tăng tỉ lệ công nghiệp để phù hợp với bối cảnh Covid-19.

Quang cảnh kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: N.PHÚ
Lãnh đạo HĐND thành phố chủ trì phiên thảo luận sáng 16-12. Ảnh: N.PHÚ

Theo đại biểu Võ Tín (Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố), 2 năm qua, Covid-19 gây thiệt hại rất lớn cho các ngành, lĩnh vực nói chung, nhất là ngành dịch vụ. Đại biểu Võ Tín bày tỏ nhất trí với kế hoạch phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp như hiện nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường, dự báo ngành dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng. Thành phố cần linh hoạt điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp theo hướng giảm tỉ lệ dịch vụ, tăng tỉ lệ công nghiệp cho phù hợp thực tế, nhằm đạt kết quả cao các mục tiêu đề ra.

Trong đó, chú trọng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; có chính sách phù hợp, đồng bộ và vượt trội để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần có giải pháp quyết liệt đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bền vững.

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng) tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền thành phố trong thực hiện nhiệm vụ kép; đồng thời bày tỏ trăn trở, lo lắng về những tác động tiêu cực của Covid-19 đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc (tổ đại biểu quận Liên Chiểu) phát biểu thảo luận. Ảnh: L.PHƯƠNG
Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc phát biểu thảo luận. Ảnh: L.PHƯƠNG

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phúc, để thực hiện tốt chủ đề năm 2022 “Năm tích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn liền với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, thành phố cần thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và tư duy trong chỉ đạo và điều hành.

Thành phố cần tái khẳng định, cam kết mạnh mẽ hơn nữa bằng những giải pháp và kế hoạch hành động cụ thể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nhà đầu tư tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tập trung kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng thành phố trong lộ trình phục hồi và phát triển.

Đồng thời, cần tăng cường ý thức tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho người dân và doanh nghiệp, tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai nhanh tiêm mũi 3, đặt mục tiêu đạt trong quý 1-2022.

Còn theo đại biểu Lê Hồng Cương (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng), để đạt được mục tiêu theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045, việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung là một trong những nội dung quan trọng, cần được quan tâm giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Lê Hồng Cương phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ
Đại biểu Lê Hồng Cương phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ

Trong báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, năm 2021, do tình hình Covid-19, số lượng dự án và số vốn thu hút giảm so với cùng kỳ. Riêng Khu Công nghệ cao thu hút được 2 dự án, nâng tổng số lên 24 dự án (12 dự án trong nước và 12 dự án vốn FDI), có 11 dự án đã hoạt động, 13 dự án đang trong quá trình đầu tư, xây dựng.

Theo đại biểu Lê Hồng Cương, số liệu trên cho thấy việc thu hút đầu tư tại Khu Công nghệ cao chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó cần tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho nhà đầu tư thì cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông hoàn thiện, hiện đại là một trong những tiêu chí quan trọng đối với các nhà đầu tư khi xem xét, lựa chọn địa điểm đầu tư.

Các đại biểu cũng quan tâm đến việc bảo đảm khôi phục chuỗi cung ứng, lưu chuyển hàng hóa thông suốt, hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế bằng các chính sách tháo gỡ khó khăn, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính; đẩy nhanh các dự án đầu tư công trọng điểm, động lực; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực phù hợp định hướng của thành phố, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao...

Tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Nhiều đại biểu kiến nghị, đề xuất thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, tình hình Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của đông đảo người lao động tự do, nhất là các đối tượng yếu thế.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát biểu thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát biểu thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Do đó, thành phố cần quan tâm đến các chế độ chính sách nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, có phương án giúp đỡ người dân về từ vùng dịch ổn định đời sống và có giải pháp tổng thể chăm lo an sinh xã hội từ nay đến Tết Nguyên đán cho người dân toàn thành phố.

Song song đó, thành phố cần quan tâm, có chính sách toàn diện, đồng bộ để chăm lo trẻ em mồ côi thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em mồ côi do dịch bệnh; chú trọng giáo dục, đào tạo nghề, quan tâm tư vấn sức khỏe, tâm lý, pháp lý cho các em, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Thảo luận về kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 11-6-2021 của UBND thành phố thực hiện mục tiêu Chương trình “không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố, đại biểu Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn nhấn mạnh chăm lo, giáo dục trẻ em là nhiệm vụ quan trọng cần đặc biệt quan tâm trong thời gian đến. 

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho rằng công tác chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn thành phố thời gian qua mang lại nhiều kết quả tích cực.

Đại biểu Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phát biểu thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phát biểu thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chú trọng giải pháp cho vay để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững trong giai đoạn 2022-2025; xem xét cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ cho vay không lấy lãi để hỗ trợ hộ nghèo; nâng mức cho vay từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ, nâng mức hỗ trợ sau khi thoát nghèo từ 4 triệu đồng/hộ lên 5 triệu đồng/hộ.

Đại biểu Đoàn Ngọc Chung cũng kiến nghị thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi quy định cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận nguồn vốn vay, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu cũng cho rằng, tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số F0 liên tục tăng trong những ngày qua. Trong khi đó, thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới”, các trường hợp F0, F1 không triệu chứng được cách ly tại nhà nhằm giảm tải cho ngành y tế.

Tuy nhiên, việc cách ly tại nhà tạo tâm lý thoải mái, không đề phòng cho gia đình, cộng đồng dẫn đến dễ phát sinh nguồn lây, khó bảo đảm an toàn tuyệt đối. Do vậy, đề nghị thành phố có cơ chế xử phạt các trường hợp cách ly tại nhà nhưng để lây lan, phát sinh dịch bệnh cho người thân, cộng đồng. Việc xử lý cần công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe và tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu ngành y tế thành phố bên cạnh công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19, cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trong điều kiện hiện nay. Không để xảy ra khoảng trống thông tin ở cơ sở, giúp người dân nắm rõ các chủ trương, giải pháp, nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch.

L.PHƯƠNG - N.PHÚ

.