Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

.

Chiều 15-12, kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa X tiến hành phiên thảo luận tại 5 tổ. Các đại biểu tập trung nêu các giải pháp đối với nhóm các vấn đề trọng tâm trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, văn hóa - xã hội và pháp chế.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh chủ trì buổi thảo luận tại tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà và huyện đảo Hoàng Sa. Ảnh: L.PHƯƠNG
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh chủ trì buổi thảo luận tại tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà và huyện đảo Hoàng Sa. Ảnh: L.PHƯƠNG

Nghiên cứu cơ chế đặc thù thu hút đầu tư, phát triển kinh tế

Theo các đại biểu HĐND thành phố, do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm, động lực, tránh đầu tư dàn trải. Cùng với đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù để kêu gọi, thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng, thúc đẩy phát triển đô thị và tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề cập tình trạng dự án chậm triển khai; dự án triển khai xong nhưng chưa bàn giao dẫn đến xuống cấp; có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các ban quản lý dự án cũ và mới. Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo các đại biểu, hiện nay tại một số địa phương vẫn còn tình trạng nuôi heo, bò trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị, vì vậy đề nghị thành phố cần sớm quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng ý kiến, đại biểu Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, cần đưa lĩnh vực nông nghiệp vào phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, trong đó quy hoạch khu vực nông nghiệp chế biến gắn với chăn nuôi và giết mổ, đưa các cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất, chế biến vào khu vực quy hoạch cụ thể, tránh để nằm xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

Các đại biểu cũng thảo luận vấn đề đất nông nghiệp không sản xuất được, tình hình di dời mồ mả trong các khu dân cư và tính pháp lý đất đai sau di dời; tình trạng nhà tập thể xuống cấp, các giải pháp xử lý và công tác quản lý nhà chung cư nói chung. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đề xuất các giải pháp để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các mặt văn hóa, đời sống của xã hội.

Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND thành phố khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đồng thời, quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng hợp lý, hài hòa hơn. Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu những bất cập trong triển khai Luật Cư trú 2020 và vấn đề trong quản lý nhân, hộ khẩu…

Liên quan đến tiến độ triển khai xây dựng dự án một số cụm công nghiệp trên địa bàn, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Trần Vũ Duy Mẫn thông tin, hiện Cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) được thành phố hủy bỏ quy hoạch do chồng lấn quy hoạch lên Khu công nghiệp Liên Chiểu. Đối với dự án Cụm công nghiệp Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) chưa thể triển khai do quy định của Luật Đầu tư công không cho phép thực hiện dự án bằng ngân sách Nhà nước mà phải kêu gọi đầu tư.

Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau Covid-19

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thiếu khoảng 140.000 lao động. Tuy nhiên, các giải pháp thu hút lao động, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn hạn chế.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Hồng Minh (Tổ đại biểu HĐND số 4 đơn vị quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà và huyện đảo Hoàng Sa) cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng góp phần khôi phục và phát triển kinh tế sau Covid-19 là chú trọng công tác dạy nghề, đào tạo việc làm cho người lao động; định hướng chuyển dịch cơ cấu đào tạo nghề theo hướng tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm. Theo đại biểu Lê Thị Hồng Minh, thành phố cần chú trọng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo ảnh hưởng dịch bệnh; đồng thời ưu tiên các chính sách giải quyết, hỗ trợ việc làm cho người dân.

Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố. Theo đó, năm 2021, mặc dù tội phạm giảm so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên, hành vi cho vay nặng lãi, cướp giật, ma túy có xu hướng gia tăng. Vì vậy thời gian tới, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân; tăng cường giải quyết các mâu thuẫn từ cơ sở; đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, thực thi pháp luật; đẩy mạnh công tác phối hợp của các cơ quan, chính quyền và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức cơ quan tư pháp.

Đại biểu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố  đề nghị, bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ hạ tầng cho ngành y tế, thành phố cần tập trung mua sắm trang thiết bị và thuốc điều trị Covid-19 trong thời gian đến; đồng thời cần khảo sát tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và các chế độ, chính sách hỗ trợ nhân viên y tế kịp thời để động viên lực lượng này tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian đến.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích